Thông tin trên ngay lập tức thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận, nhưng không hoàn toàn theo cách mà ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN nói trong buổi roadshow của Petrolimex ngày 14/7, rằng “với DN như Petrolimex, lẽ ra không cần giới thiệu, NĐT cũng đến mua cổ phiếu”.
Tại buổi giới thiệu đó, đại diện Petrolimex đã đưa ra con số lãi rất khả quan. Theo kế hoạch, Tổng công ty sẽ đạt hơn 1.154 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất năm 2011. Năm 2012, dự kiến lãi ròng của DN này là 2.947 tỷ đồng.
Dư luận cho rằng, dưới áp lực phải bán được 27,4 triệu cổ phiếu trong hoàn cảnh TTCK suy giảm trầm trọng như hiện nay, Petrolimex mới phải công bố con số (dự kiến) lãi “khủng”. Nghi ngờ này là có lý bởi suốt 3 năm vừa qua, Petrolimex có lãi nhưng vẫn nhận tiền bù lỗ.
Những giải thích của đại diện Petrolimex về con số lãi do được Nhà nước hỗ trợ hay do tái xuất xăng dầu… cũng không thuyết phục. Bởi trên thực tế, con số tái xuất là rất nhỏ so với lượng tiêu thụ tại nội địa. Còn nếu do hỗ trợ từ Nhà nước mà năm 2008 từ lỗ cả ngàn tỷ đồng, lại thành lãi 913 tỷ đồng thì còn… đáng ngạc nhiên hơn.
Với các NĐT, đợt IPO của Petrolimex còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng. Rủi ro đầu tiên khi nghĩ đến việc trở thành “ông chủ” của Petrolimex nằm ở chính vị thế DNNN hàng đầu.
Như ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Petrolimex đã trả lời, về bản chất, Petrolimex vẫn là DNNN không có gì thay đổi vì vốn nhà nước vẫn đa số, vẫn là công cụ điều tiết thị trường xăng dầu của Nhà nước. Với hơn 2,56% cổ phần được bán ra, không cổ đông nào có quyền tham gia vào các quyết sách của Petrolimex khi đơn vị này thành CTCP.
Rủi ro thứ hai, đó là rủi ro về tỷ giá. Tính đến cuối năm 2010, nợ phải trả của DN này đã lên tới gần 42.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2009 và so với năm 2008 tăng 81,91%. Điều đáng nói là, trong số này, nợ ngoại tệ rất lớn nhưng không được công bố chính thức.
Với bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng cao như thời gian vừa qua, liệu mức lãi định biên 300 đồng/lít đươc cho phép có đủ để Petrolimex có lãi? Đến thời điểm này, không mấy NĐT biết được báo cáo tài chính đầy đủ của Petrolimex cũng như cách tính giá xăng và những yếu tố ảnh hưởng.
Tổng Kiểm toán nhà nước, ông Vương Đình Huệ đã khẳng định, cơ quan này sẽ kiểm toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu từ ngày 22/7. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng đề xuấts đưa Petrolimex vào danh sách những đơn vị được kiểm toán trong năm nay.
Chỉ khi các yếu tố cấu thành nên giá bán lẻ xăng dầu, cơ chế nhập và trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu nói chung và hoạt động của Petrolimex nói riêng được một cơ quan kiểm toán độc lập kiểm tra và công khai hóa thì NĐT mới có căn cứ định giá cổ phiếu Petrolimex.
Còn không, giá khởi điểm 15.000 đồng/CP của Petrolimex có hợp lý hay không vẫn sẽ là một dấu hỏi, người tham gia đấu giá không thể kiểm soát được khả năng lỗ – lãi với khoản đầu tư này.
Cổ phần hoá DNNN là một chủ trương quan trọng của Chính phủ. Trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh của khối DN này chưa cao, thiết nghĩ, nếu Petrolimex công khai, minh bạch hơn nữa thông qua hoạt động công bố thông tin sẽ góp phần tạo dựng lòng tin nơi công chúng đầu tư – yếu tố cốt tử tạo nên thành công của tiến trình cổ phần hoá.