MSBS: Khoản phải thu, phải trả lớn
Cuối tuần qua, CTCP Chứng khoán Maritime Bank (MSBS) công bố BCTC quý II. Theo đó, MSBS lãi sau thuế 4,618 tỷ đồng, mức lãi khiêm tốn so với quy mô vốn điều lệ 300 tỷ đồng, nhưng thực sự vượt trội khi hơn 60 CTCK khác có kết quả thua lỗ. BCTC quý II của MSBS cũng khá ấn tượng khi công ty sở hữu trên 16,8 triệu cổ phiếu, tương đương 239 tỷ đồng, trong đó hơn 2/3 là mua mới trong quý II và đặc biệt là không phải trích lập dự phòng.
Tuy nhiên, điều bất ngờ trong BCTC này là MSBS có khoản phải thu khác lên tới gần 1.587 tỷ đồng, hầu hết đều mới phát sinh trong quý II. Cụ thể, MSBS phải thu xấp xỉ 50 tỷ đồng từ CTCK Hòa Bình, hơn 296 tỷ đồng từ CTCP Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang, gần 268 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư Tín Phát, hơn 283 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Nam, gần 241 tỷ đồng tử CTCP Đầu tư Hà Nam, gần 276 tỷ đồng từ Công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh và 10 tỷ đồng từ một cá nhân. Trong khi đó, tổng tài sản của MSBS là 1.890,875 tỷ đồng, với 316,312 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Nguồn tiền tài trợ cho khoản phải thu trên chủ yếu xuất phát từ 3 địa chỉ là: Ngân hàng Hàng hải (750 tỷ đồng), Ngân hàng Phát triển Mê Kông (703,879 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư và Thương mại Hưng Yên (23 tỷ đồng).
KLS, SSI, VND: Những cái “khác” lên ngôi
Trong BCTC quý II của CTCK Kim Long (KLS), trong tổng số 110,433 tỷ đồng doanh thu có 100,287 tỷ đồng là doanh thu khác, trong khi doanh thu hoạt động môi giới chỉ là 1,426 tỷ đồng, hoạt động đầu tư – góp vốn là 6,551 tỷ đồng, hoạt động tư vấn 711 triệu đồng. Đây là con số khá phù hợp với bối cảnh KLS vẫn đang thực hiện chiến lược “ủ tiền” chờ cơ hội. Trong BCTC quý II của CTCK VNDirect (VND), Công ty có doanh thu khác tới 62,532 tỷ đồng trên tổng doanh thu 74,357 tỷ đồng.
Tại CTCK Sài Gòn (SSI), Công ty có 117,428 tỷ đồng doanh thu khác trong tổng số 245 tỷ đồng doanh thu quý II. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu khác của SSI có giảm (từ mức 141,304 tỷ đồng), nhưng tính theo tỷ trọng trong tổng doanh thu thì lại tăng đáng kể. Cũng trong BCTC hợp nhất của SSI, Công ty có nhiều khoản “cổ phiếu khác”. Trong đó, 547,792 tỷ đồng giá trị sổ sách cổ phiếu khác là cổ phiếu niêm yết đầu tư ngắn hạn (trích lập dự phòng 170,464 tỷ đồng); 639,295 tỷ đồng cổ phiếu khác là cổ phiếu chưa niêm yết (trích lập 0 đồng); 249 tỷ đồng cổ phiếu khác đầu tư dài hạn (trích lập gần 44 tỷ đồng); 87,791 tỷ đồng cổ phiếu dài hạn khác chưa niêm yết (trích lập 11,251 tỷ đồng) trong tổng số 2.385,808 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu.
Khoản “cổ phiếu khác” được quan tâm, bởi xét theo bình quân phần trăm trích lập dự phòng giữa những danh mục cổ phiếu được công bố với “cổ phiếu khác” thì tỷ lệ trích lập dự phòng giảm giá của cổ phiếu khác thấp hơn. Ví dụ, trong nhóm cổ phiếu niêm yết đầu tư ngắn hạn được công bố rõ danh mục, tỷ lệ trích lập dự phòng công bố là 54,67% tính trên giá trị sổ sách, trong khi của cố phiếu khác trong cùng nhóm (không rõ danh mục) là 31,08%. Trong nhóm cổ phiếu niêm yết đầu tư dài hạn, tỷ lệ này lần lượt của nhóm công bố rõ danh mục và không công bố rõ danh mục là 28,7% và 17,6%.
FPTS: doanh thu tư vấn “khủng”
“Ngôi sao đang lên” của nhóm CTCK lúc này có thể kể đến là FPTS. Sau thương vụ bán cổ phần cho đối tác nước ngoài với mức giá cao hơn 4 lần mệnh giá, FPTS đã khẳng định vị trí của mình khi đạt lợi nhuận sau thuế quý II hơn 42,8 tỷ đồng. Về doanh thu, nghiệp vụ tư vấn mang lại cho công ty 72,25 tỷ đồng trên tổng số 104,909 tỷ đồng doanh thu trong quý. So với các quý trước, doanh thu từ nghiệp vụ tư vấn của FPTS không thay đổi nhiều, thậm chí khá ổn định, nhưng nếu so với mặt bằng chung thì đây thực sự là con số bất ngờ.
Nhìn lại TTCK từ đầu năm đến nay, doanh thu hoạt động tư vấn cho các DN (bao gồm cả tư vấn phát hành, tư vấn tài chính, tư vấn niêm yết) đều sụt giảm. Chưa kể, nếu không phải tư vấn M&A hay bảo lãnh phát hành thì tính trung bình, để có 70 tỷ đồng doanh thu tư vấn cho khối DN, một CTCK cần khoảng 700 hợp đồng tư vấn. Cuối quý II, FPTS chỉ có 5,5 tỷ đồng tự doanh, có xấp xỉ 700 tỷ đồng phải thu giao dịch chứng khoán, 400 tỷ đồng phải trả, hơn 661 tỷ đồng tiền mặt trong cơ cấu tổng tài sản 1.479 tỷ đồng. Với cơ cấu này, nhiều ý kiến cho rằng, bản chất doanh thu 70 tỷ đồng tư vấn của FPTS có thể đến từ những hợp đồng “tư vấn và đầu tư” – một cách khác của hợp đồng hợp tác đầu tư mà nhiều CTCK vẫn sử dụng.