Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang đã gây áp lực xấu lên giá cao su, khiến từ đầu tháng 7 đến nay, giá cao su thế giới liên tục sụt giảm. Giá cao su tại Sở giao dịch TOCOM ở Tokyo, Nhật Bản tính đến 30/7/2018 giảm 3% so với cùng kì tháng 6 xuống dưới ngưỡng 1.400 USD/tấn. Trong hơn một tháng qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đua nhau bán tháo rất nhiều mặt hàng, trong đó có lốp cao su, đồng thời giảm nhập nguyên liệu mủ cao su.
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, trong tháng 7/2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 131 nghìn tấn với giá trị 177 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su đạt 696 nghìn tấn, tương đương giá trị 997 triệu USD, tăng 9,9% về lượng nhưng giảm 10,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam có xu hướng giảm cùng chiều với giá cao su thế giới. Trong tháng 7, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.347 USD/tấn, giảm 5,9% so với tháng 6. Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.453 USD/tấn, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại thị trường trong nước, giá cao su SVR CV đã giảm xuống dưới 40.000 đồng/kg, giá cao su SVR L ở mức 37.700 đồng/kg. Từ nay đến hết năm, các chuyên gia kinh tế lo ngại, xu hướng giá thấp sẽ còn duy và khả năng cao giá mủ sẽ chỉ xoay quanh mức từ 36 đến 37 triệu đồng/tấn.
Trước tình cảnh tiêu thụ cao su đang trở nên vô cùng khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp chế biến cao su không đạt được mục tiêu lợi nhuận, hoặc phải cắt giảm mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất (TNC) đặt ra kế hoạch doanh thu đạt 100 tỷ đồng, nhưng kết quả 2 quý đầu năm ghi nhận mức doanh thu đạt 33,2 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm công ty mới hoàn thành 33% chỉ tiêu doanh thu.
Với Công ty cao su Phước Hòa (PHR), trong nửa đầu năm nay, sản lượng khai thác giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước và mới hoàn thành 29% kế hoạch năm, sản lượng thu mua giảm 33,3%, sản lượng tiêu thụ giảm 30% và mới đạt 26,63% kế hoạch năm…
Điều mà các chuyên gia lo ngại nhiều nhất lại không phải là giá giảm mà chính là tỷ lệ hơn 63% khối lượng cao su của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp trong ngành thừa nhận rằng, không thể loại bỏ thị trường Trung Quốc, nhưng để thật sự giảm những thiệt hại đáng tiếc như vừa qua thì phương thức giao bán cần phải hiện đại hơn nghĩa là phải ký hợp đồng mua bán trước rồi mới tổ chức canh tác, giao hàng sau.
Một lần nữa, việc phải chuyển hướng mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường biên mậu với Trung Quốc lại đang trở thành vấn đề hết sức bức thiết trong tình cảnh hiện nay.
Thực tế cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ và Đức đã tăng nhanh hơn, được giá cao hơn so với bán sang Trung Quốc. Dẫu vậy, việc xuất khẩu chính ngạch sẽ gặp khó khăn, bởi đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, uy tín nhà cung cấp… trong khi các yêu cầu này không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được.
Như vậy rõ ràng, “nút thắt” trong chiến lược phát triển thị trường của cao su Việt Nam nằm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để trên cơ sở đó có thể tìm kiếm đa dạng các bạn hàng.
Để gỡ nút thắt này, các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc tăng sản lượng, tăng năng suất cao su thiên nhiên thì việc nâng cao chất lượng khai thác mủ cũng như đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu cần được các doanh nghiệp trong ngành hướng tới.
Đồng thời, ngành công nghiệp cao su cần được đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm sâu, như lốp ô tô, găng tay, chỉ sợi, nệm là các sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu và có sức cung cao ở thị trường thế giới. Và phải ở những sản phẩm này mới có thể “tấn công” vào thị trường Mỹ, tạo được thế “ngư ông đắc lợi” trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.