Có hay không chu kỳ khủng hoảng 10 năm?
Đặt câu hỏi đó với các chuyên gia kinh tế, sau khi Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ “đặt hàng” các chuyên gia về “mối lo chu kỳ khủng hoảng 10 năm”, thì câu trả lời mà phóng viên Báo Đầu tư nhận được rất khác nhau.
“Tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế, ở cả kinh tế thế giới và Việt Nam”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Theo vị chuyên gia trên, nguy cơ này khó xảy ra, không phải chỉ vì bây giờ “chưa nhìn thấy dấu hiệu”, mà còn vì hiện tại, nền tảng vĩ mô của cả kinh tế thế giới lẫn Việt Nam đều đang tốt. Hơn nữa, cả thế giới và Việt Nam đều đã có rất nhiều kinh nghiệm để chống chọi với các cú sốc kinh tế, bao gồm cả cú sốc về bất động sản, về thị trường chứng khoán, thị trường tài chính nói chung.
“Những công cụ phòng ngừa, nhằm tạo ra bước đệm để phòng chống rủi ro, cả kinh tế thế giới và Việt Nam đều có nền tảng vững chắc hơn. Thể hiện rõ nhất ở Việt Nam là dự trữ ngoại hối rất tốt, thị trường và các chủ thể tham gia thị trường được lành mạnh hóa theo hướng tái cơ cấu, doanh nghiệp cũng đang khỏe hơn, lành mạnh hơn và chưa hề có dấu hiệu bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán”, ông Cấn Văn Lực nói.
Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cũng cho rằng, kinh tế cả thế giới và Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi vững chắc, khả năng khủng hoảng khó xảy ra, ít nhất trong 1-2 năm tới, kể cả trong trường hợp có xảy ra chiến tranh thương mại.
“Tôi cũng cho rằng, nguy cơ khủng hoảng ít xảy ra, vì nền kinh tế đang được điều hành rất tốt thông qua các đợt điều chỉnh ngân hàng, thị trường chứng khoán”, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nói.
Tuy vậy, chia sẻ với báo giới cách đây ít lâu, TS. Vũ Thành Tự Anh (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright) cũng đã nhắc tới “mối lo khủng hoảng” khi cho rằng, các nền tảng và nguồn lực tăng trưởng trong nước vẫn “có vấn đề”.
“Chúng ta có ổn định vĩ mô, nhưng cứ 10 năm lại có một đợt trục trặc về vĩ mô. Nhìn lại các năm 1979, 1989, 1999 và gần nhất năm 2009 là minh chứng”, TS. Vũ Thành Tự Anh nói và nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa rất nhanh, nhưng khả năng hưởng lợi và tận dụng cơ hội thấp. Trong khi đó, sự kết nối giữa khu vực FDI và khu vực trong nước chưa tốt, dẫn tới các nền tảng tăng trưởng chưa bền vững.
Cũng nhắc tới các thời điểm tương tự đồng nghiệp của mình tại Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nói tới, TS. Huỳnh Thế Du, cho rằng, sự lạc quan và kỳ vọng thái quá của các nhà đầu tư khi thấy kinh tế đang tốt lên có thể khiến thị trường tài sản nóng lên, nguy cơ bong bóng xảy ra và khi bong bóng vỡ, kinh tế lâm vào khủng hoảng.
Cảnh giác không bao giờ là thừa
Thực tế, ngay cả các chuyên gia có chiều hướng nhìn nhận có khả năng xảy ra “chu kỳ khủng hoảng 10 năm” cũng mới chỉ coi đó là “nguy cơ”, chứ trong hiện tại, chưa có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy điều này sẽ xảy ra.
“Nhưng cảnh giác không bao giờ là thừa, vẫn phải cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra, cũng như cảnh báo về những ‘khuyết tật’ của nền kinh tế. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay và năm tới, thì tỷ giá của mình sẽ có vấn đề, áp lực lạm phát cũng lớn. Nếu chiến tranh thương mại nổ ra, sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Thậm chí, ngay cả khi chiến tranh thương mại chưa ngã ngũ, thì diễn biến giá dầu cũng cần được theo dõi cẩn trọng”, ông Lê Đình Ân nói.
Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực khẳng định, không thể không “cảnh báo”, bởi kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro, bất định.
Còn ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh, để tránh nguy cơ khủng hoảng, việc cần làm là tránh được những kỳ vọng quá mức vào nền kinh tế. “Dưới góc độ vĩ mô, Nhà nước cần chú ý đến việc kiểm soát cung tiền và tín dụng, không để dòng tiền ồ ạt đổ vào bất động sản”, ông Huỳnh Thế Du nói.
Cũng cần nhắc lại một điều rằng, câu chuyện “chu kỳ khủng hoảng 10 năm” lần đầu tiên được nhấn mạnh vào khoảng 2 tháng trước đây, khi Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đã đến lúc phải quan tâm đến yếu tố chu kỳ của nền kinh tế, bởi thông thường, sau một giai đoạn tăng trưởng cao, nền kinh tế sẽ chững lại.
Ở đây, vấn đề không chỉ là “chu kỳ khủng hoảng 10 năm” của Việt Nam, mà là của kinh tế thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) đã từng cảnh báo về điều này. Theo các chuyên gia của định chế tài chính này, cuộc vui nào rồi cũng kết thúc và có thể năm 2018, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng gần như với toàn bộ tiềm năng, nhưng tình hình chỉ kéo dài trong “vài năm tới”.
Theo dự báo cập nhật của WB, dù năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đạt mức cao – khoảng 3,1%, nhưng sau đó sẽ giảm dần trong 2 năm tới. Điều quan trọng là, theo WB, thị trường tài chính có khả năng sẽ bất ổn hơn và mức độ ảnh hưởng của chúng lên các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển cũng tăng lên. Tâm lý bảo hộ mậu dịch tăng lên, đồng thời các bất ổn chính sách và rủi ro địa chính trị cũng tăng.
Do vậy, đúng như các chuyên gia đã nói, cảnh giác không bao giờ là thừa và Việt Nam cần sớm có sự chuẩn bị để có phản ứng chính sách kịp thời.