Nhiều thị trường giàu tiềm năng đã không giữ được “phong độ”, giảm về nhu cầu nhập khẩu. Khối FDI chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn (70%) và vì vậy sự giảm tốc của khối FDI là nguyên nhân kéo giảm tăng trưởng xuất khẩu chung. Đa phần các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam đều do khối FDI chi phối như điện thoại, điện tử, máy móc thiết bị hay dệt may, giày dép. Mặt hàng sắt thép vốn là thế mạnh của khối trong nước nhưng khi Formosa đi vào hoạt động đã đẩy tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI lên rất cao +68.4% YoY và có thể khối FDI sẽ vượt khối trong nước trong năm nay.
Sau một giai đoạn tăng trưởng rất ấn tượng, xuất khẩu điện thoại đột ngột chậm lại mà nguyên nhân chính là do Samsung giảm sản lượng. Lý do Samsung giảm sản lượng tại Việt Nam không được công bố nhưng đây có thể là sự thay đổi có tính chiến lược khi Samsung vừa khánh thành nhà máy lắp ráp điện thoại lớn tại Ấn Độ.
Nhập khẩu cũng có xu hướng giảm cùng chiều với xuất khẩu khi hàng loạt các mặt hàng nhập khẩu là đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu. Tăng trưởng nhập khẩu của khối FDI ở những mặt hàng chính đều thấp hơn rõ rệt so với khối trong nước, trong đó máy móc, linh kiện điện thoại, nguyên phụ liệu dệt may da giày có tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm.
Việc giảm nhập máy móc thiết bị của khối FDI là tín hiệu báo trước tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của khối này sẽ còn chậm hơn trong tương lai. Số liệu này phản ánh chân thực và là cảnh báo rõ nét hơn về tăng trưởng của khối FDI so với số liệu vốn đầu tư. Theo công bố về tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thị trường chứng khoán vốn đầu tư của khối FDI có tăng chậm lại nhưng tốc độ giảm không nhiều, từ +9.6% trong 6 tháng 2017 xuống +8.5% trong 6 tháng 2018. Khi cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều giảm tốc, nhập siêu đã quay trở lại do lượng xuất siêu của khối FDI giảm trong khi nhập siêu của khối trong nước vẫn đứng ở mức cao. Xuất siêu của khối FDI trong tháng 7 là 2 tỷ USD, thấp hơn mức trung bình 6 tháng đầu năm là 2.6 tỷ USD, còn nhập siêu của khối trong nước là 2.3 tỷ USD, cao hơn trung bình 6 tháng là 2 tỷ USD.
Tựu trung lại, từ các số liệu xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm, có lý do để chúng ta phải đề phòng với những rủi ro mới phát sinh. Đó là sự tăng trưởng chậm lại của khối FDI. Nhập siêu đã quay trở lại và có thể còn kéo dài cho đến khi Việt Nam tìm được động lực thúc đẩy xuất khẩu mới hoặc nguồn cung trong nước đủ sức thay thế hàng nhập khẩu.
Xuất siêu trong năm 2017, đầu 2018 là một nhân tố quan trọng giúp ổn định vĩ mô. Khi không còn xuất siêu, việc cân đối cán cân thanh toán sẽ trở nên phức tạp hơn, nhất là trong giai đoạn lãi suất và rủi ro toàn cầu từ chiến tranh thương mại gia tăng.