NHNN vừa ban hành Thông tư số 04/2018/NHNN-TT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-NHNN ngày 01/08/2017 quy định về trình tự, thủ tục giám sát NH. Trong đó, sửa đổi quan trọng nhất liên quan đến việc bổ sung áp dụng can thiệp sớm là biện pháp xử lý trong giám sát NH.
Ngoài ra, Thông tư 04 cũng bổ sung quy định về việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá thực hiện phương án khắc phục của đối tượng giám sát NH. Trong quá trình theo dõi, căn cứ vào kết quả thực hiện phương án khắc phục, đơn vị thực hiện giám sát có quyền đề xuất tiến hành thanh tra đột xuất các NH.
Những quy định trên được giới chuyên môn, cũng như bản thân các NH đánh giá là rất cần thiết. “Vì khi thanh tra phát hiện ra vụ việc thì mọi sự đã rồi, thời gian giải quyết cũng lâu hơn. Mặt khác, các chỉ số của NH hiện nay đang được quản lý chặt chẽ. Và bản thân các chỉ số đó đã phản ánh nhiều nội dung khác nhau trong quá trình hoạt động của các NH. Cho nên việc giám sát, có các biện pháp ngăn ngừa sớm là cần thiết và đúng”, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng đưa ra quan điểm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá Thông tư 04 quy định chi tiết hơn, cơ quan nào phải ban hành những văn bản áp dụng can thiệp sớm, các đối tượng bị giám sát phải giải trình cho NHNN về thực trạng, nguyên nhân những vấn đề của họ đang gặp phải cũng như lộ trình để cho NH đó có cơ hội sửa sai khắc phục cũng được giám sát chặt chẽ.
Đơn cử, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm, đối tượng giám sát NH có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi NHNN giải trình thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện. Thời hạn thực hiện phương án khắc phục tối đa là 1 năm. Sau thời hạn này nếu NH khắc phục được thì sẽ tháo “barie” còn không thì tùy mức độ, tính chất rủi ro, thanh tra giám sát có biện pháp xử lý mạnh hơn.
Điểm nhấn quan trọng nữa tại Thông tư 04 là quy định về các biện pháp giám sát NH. Hiện nay bên cạnh phương pháp giám sát tuân thủ đã có các quy định khung về giám sát rủi ro để có thể từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế tốt nhất về giám sát NH, tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện giám sát có thể kết hợp giữa giám sát tuân thủ với giám sát rủi ro…
Những quy định trên, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành là rất kịp thời, có thể bổ sung những điểm khuyết thiếu trong hoạt động thanh tra giám sát. Thanh tra giám sát NH hiện đang thiên về giám sát tuân thủ. Theo ông Thành cách giám sát này quan trọng nhưng vẫn chưa đủ mà cần thêm những hình thức giám sát rủi ro khác gắn với biện pháp phòng ngừa như quy định về cảnh báo, can thiệp sớm tại Thông tư 04 là rất quan trọng. “Nếu không phát hiện sớm, để đến lúc các NH “phát bệnh” thì chi phí chữa bệnh giá sẽ rất cao”, ông Thành ví von.
Điểm lợi lớn khi giám sát cảnh báo sớm được ông Nguyễn Đình Tùng đánh giá là đảm bảo cho giao dịch của hệ thống trở nên an toàn hơn. “Trong quá khứ có một giai đoạn dài các NH cho nhau vay dễ dàng trên thị trường liên NH. Sau đó một số NH không có khả năng thanh toán đã gây khó khăn cho hoạt động của cả hệ thống. Về sau này các NH có phương pháp phòng thủ, việc cấp hạn mức, đánh giá giao dịch tiến hành cẩn trọng. Như vậy nếu có sự tham gia của NHNN trong việc giám sát chung sẽ đảm bảo hệ thống vận hành một cách cẩn thận hơn”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Mặt khác, nếu giám sát không chặt chẽ, một số NH gặp khó khăn thanh khoản cục bộ có thể có động thái “phá bĩnh” trên thị trường, nhất là trong lĩnh vực hoạt động huy động vốn, cho vay dễ bị lệch lạc nhất. Trên thực tế có nhiều thời điểm, các NH không có nhu cầu quá cao về vốn, nhưng vẫn phải duy trì mức lãi suất huy động cao nếu không muốn bị mất khách. Nhưng thời gian tới, nếu những TCTD đẩy lãi suất cao, NHNN phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo thanh khoản cho NH này thay vì để cho họ tiếp tục cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất dẫn đến bất ổn cho thị trường.
Việc NHNN bổ sung khung pháp lý liên quan đến việc giám sát còn được giới chuyên gia đánh giá là rất tiến bộ và cần tiếp tục cập nhật, bổ sung liên tục nhằm theo kịp với thực tế của hoạt động NH. Vì trong thời gian vừa qua phát sinh một số vụ việc liên quan ứng dụng công nghệ, chuyện lùm xùm khách hàng mất tiền… Trong bối cảnh thị trường tài chính hội nhập sâu rộng cho phép thị trường “chơi” trò chơi sáng tạo tài chính… thì khung pháp lý đồng bộ, phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng để hạn chế tối đa những rủi ro có thể phát sinh.
Đánh giá về quyết định này, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng việc bổ sung thêm can thiệp sớm vào các biện pháp giám sát NH là vô cùng cần thiết. Những yếu kém của TCTD sẽ được giảm thiểu, đồng thời góp phần hạn chế rủi ro cho toàn hệ thống. Đồng tình quan điểm trên, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý hiệu quả chính sách còn phụ thuộc vào cơ quan thực thi có nghiêm khắc, triển khai quyết liệt hay không.