Nhìn lại DVD
Đối với nhiều người, nhất là các cổ đông còn nắm giữ cổ phiếu của CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD), tin tức về khả năng DVD có thể bị phá sản không khác gì “dội bom” vào tài khoản đầu tư của họ. Tin xấu liên tục xuất hiện như việc Ngân hàng ANZ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với DVD cách đây 3 tháng và mới đây được TAND TP. HCM chấp thuận. Hay DVD vẫn chưa thực hiện BCTC kiểm toán năm 2010 và 2/3 thành viên HĐQT đã lặng lẽ rời ghế, dù mới nhận nhiệm vụ chưa đầy 3 tháng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu theo sát DVD, nhà đầu tư sẽ không đến mức bất ngờ trước các tin tức nêu trên. Bởi lẽ, sự bất ổn đã sớm bộc lộ trong BCTC quý IV/2010 của riêng DVD. Trong báo cáo này, khoản phải trả cho người bán lên tới 613 tỷ đồng, cao đột biến so với 135 tỷ đồng hồi đầu năm 2010. Chỉ riêng yếu tố này đã gợi nghi vấn về khả năng DVD chuyển tiền cho công ty “sân sau” để tạo doanh thu, lợi nhuận ảo. Một dấu hiệu khác là mặc dù công bố lợi nhuận, nhưng dòng tiền của DVD liên tục âm, với mức âm năm sau cao hơn năm trước (năm 2009 âm 86 tỷ đồng, năm 2010 âm 274 tỷ đồng). Gần hơn, Công ty hoàn toàn không công bố thông tin kể từ cuối tháng 4/2011 và không nộp hàng loạt báo cáo như BCTC kiểm toán năm 2010, báo cáo thường niên năm 2010, BCTC quý I và II/2011… cũng cho thấy nhiều bất ổn ở DVD.
DVD không bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động, do trong BCTC quý IV/2010, nợ ngắn hạn của Công ty vẫn thấp hơn tài sản ngắn hạn. Tuy nhiên, với 93% tài sản ngắn hạn là khoản phải thu, trong đó hơn 200 tỷ đồng là khoản phải thu khác, kiểm toán đã có lưu ý về khoản phải thu. Kết quả, khoản phải thu không đòi được trở thành lý do khiến DVD không có cách nào xoay xở được dòng vốn và ngày càng ngập sâu trong nợ nần.
Những doanh nghiệp khác
Trong số các doanh nghiệp niêm yết thì CTCP Đầu tư thương mại TNG (TNG), CTCP Nhựa Tân Hoá (VKP), CTCP Vitaly (VTA), CTCP Xuất nhập khẩu lâm thuỷ sản Bến Tre (FBT), CTCP Vạn Phát Hưng (VPH)…, những doanh nghiệp đang và từng bị kiểm toán đánh giá có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục hoạt động. Liệu những doanh nghiệp này có nối gót DVD vào con đường phá sản hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ với thị trường.
9 quý gần đây, VKP đều báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ. Vốn chủ sở hữu chỉ còn phân nửa so với vốn điều lệ. Cổ phiếu VKP đang được giao dịch dưới dạng bị kiểm soát tại HOSE. Tại ĐHCĐ gần nhất, nhiều cổ đông đã đề cập đến khả năng phát mại tài sản và phá sản tại VKP. Khi đó, phía đại diện vốn Nhà nước tại VKP khẳng định, Nhà nước sẽ không để Công ty phá sản. Cứu cánh cho VKP là đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 40 tỷ đồng, nhưng cuối cùng, VKP không thực hiện được kế hoạch, vì lũy kế nửa đầu năm 2011, VKP lỗ 21,26 tỷ đồng. Chưa rõ VKP sẽ xoay chuyển tình thế ra sao, nhưng nếu không tìm được giải pháp về tài chính, sóng gió tại VKP có thể cuốn phăng công ty này bất cứ lúc nào.
Ở VTA, sự việc đã nghiêng về thế phá sản nhiều hơn. Vì cổ phiếu đã bị hủy niêm yết nên thị trường cũng bặt tin VTA. Đáng nói, bức tranh này đã được Công ty Kiểm toán Chuẩn Việt cảnh báo từ giữa năm 2010.
Ông Nguyễn Phan Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và kiểm toán Gia Cát chia sẻ: “Kiểm toán chỉ lên tiếng khi thấy có dấu hiệu gian lận hoặc sai sót trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán”. Vì thế, khi doanh nghiệp bị kiểm toán “chiếu tướng”, đa phần đều có vấn đề.
Một khi kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động của doanh nghiệp, câu chuyện trở nên trầm trọng hơn. Đó là khi kiểm toán nhìn thấy nguy cơ doanh nghiệp mất giấy phép kinh doanh do những vi phạm quy định pháp lý. Phổ biến hơn, căn cứ vào nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, kiểm toán sẽ cảnh báo về khả năng dừng hoạt động của công ty. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, những cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục tại doanh nghiệp có thể là một trong những dấu hiệu cho tình trạng phá sản doanh nghiệp đang đến gần.