Thống kê giao dịch trên UPCoM từ ngày 1 – 16/3/2018 cho thấy, bình quân mỗi phiên có 22,5 triệu cổ phiếu trị giá 532,1 tỷ đồng được khớp lệnh, tăng 78,9% về khối lượng và tăng 79,3% về giá trị giao dịch so với mức bình quân trong tháng 2/2018. Ngoài ra, bình quân mỗi phiên có 9,1 triệu cổ phiếu trị giá 128,1 tỷ đồng được giao dịch thỏa thuận, bằng gần 5 lần về lượng và 2 lần về giá trị giao dịch so với bình quân trong tháng 2.
Từ ngày 1 – 16/3, chỉ số UPCoM-Index tăng 2,8%, từ 60,09 điểm lên 61,8 điểm; số mã cổ phiếu tăng giá và giảm giá trong mỗi phiên là tương đương nhau, trung bình có 84 mã tăng giá, 84 mã giảm giá trong tổng số gần 650 mã được phép giao dịch. Trước đó, trong tháng 2, UPCoM-Index tăng hơn 1%.
Tuy chỉ số tăng điểm và thanh khoản tăng mạnh trong nửa đầu tháng 3, nhưng mỗi phiên có từ 61,6 – 68,3% số mã cổ phiếu không có giao dịch (không tính những mã bị đình chỉ giao dịch). Số mã “chết” thanh khoản tăng vọt so với tháng 2. Cụ thể, trong tháng 2, có 253 cổ phiếu không có giao dịch trong tổng số 710 cổ phiếu được phép giao dịch, chiếm tỷ lệ 35,6%; con số này trong tháng 1 là 214/707 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 30,3% và trong tháng 12/2017 là 196/684 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 28,6%.
Hiện tại, trên UPCoM có 720 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, với tổng khối lượng 25,544 tỷ cổ phiếu, giá trị vốn hóa tại ngày 16/3/2018 là 712.540,2 tỷ đồng. Trong đó, 10 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất là ACV, HVN, MCH, MSR, VIB, QNS, SDI, BAB, FOX, LPB, chiếm tỷ trọng 59% (ACV chiếm 28,4%, HVN chiếm 9%, MCH chiếm 6,8%, các mã khác chiếm từ 1,4 – 3,2%).
Theo nhiều nhà đầu tư, đa số cổ phiếu trên UPCoM “chết” thanh khoản hoặc giao dịch nhỏ giọt và thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp còn hạn chế khiến họ e ngại đầu tư, dù thấy định giá của một số cổ phiếu ở mức rất hấp dẫn.
“Với cổ phiếu có tính thanh khoản thấp, mua được cổ phiếu với giá rẻ cũng chưa chắc hiện thực hóa được lợi nhuận, bởi khi cần tiền có thể sẽ phải bán ra với giá rẻ. Do đó, tôi quan tâm trước hết đến yếu tố thanh khoản, sau đó mới tiến hành phân tích doanh nghiệp. Cổ phiếu thanh khoản cao là do nhiều nhà đầu quan tâm, mà doanh nghiệp được thị trường quan tâm thì thường có hoạt động kinh doanh khả quan hoặc tính minh bạch cao, giúp giảm thiểu rủi ro”, anh Long, nhà đầu tư tại sàn TVSI nói và cho rằng, đó là một trong những lý do khiến các mã được giao dịch sôi động nhiều khi không phải là Top giá trị vốn hóa lớn, khối lượng cổ phiếu lưu hành nhiều.
Chẳng hạn, ngày 16/3, trong 10 mã thanh khoản nhất sàn UPCoM theo thứ tự từ cao xuống thấp là POW, LPB, NED, BSR, OIL, HVN, TDM, VGT, PXL, VIB, có 7 mã không thuộc Top 10 giá trị vốn hóa.
Hiện trên UPCoM có 88 mã cổ phiếu nằm trong diện bị cảnh báo, trong đó 9 mã bị đình chỉ giao dịch, 13 mã có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng (tức thấp hơn vốn điều lệ thực góp tối thiểu do hoạt động sản xuất – kinh doanh thua lỗ), 66 mã bị hạn chế giao dịch.
Các mã bị đình chỉ giao dịch là nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư hoặc do doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Các mã bị hạn chế giao dịch chủ yếu là do doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính đã kiểm toán hoặc soát xét là số âm, hoặc từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính năm gần nhất, hoặc chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung đối với báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán và không có biện pháp khắc phục.