Những nhóm sản phẩm trên, theo Cục Phòng vệ thương mại, thuộc nhóm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019, nếu vẫn tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong những tháng tới.
Cập nhật số liệu xuất nhập khẩu của EU đến tháng 6/2018 cho thấy, mặt hàng thép tấm mạ/tráng vật liệu khác (sơn, quét véc ni, phủ plastic); thép tấm dẫn điện (trừ thép tấm dẫn điện có định hướng); và thép tấm mạ/tráng thiếc, crôm chiếm tỷ trọng trong tổng nhập khẩu của EU lần lượt là 8,8%, 7,54% và 3,62%.
Trong khi đó, căn cứ quy định của Điều 9.1 Hiệp định tự vệ WTO, việc loại trừ các nước đang phát triển ra khỏi biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng khi các nhóm sản phẩm nhập khẩu vào thị trường có thị phần không đáng kể là dưới 3%.
Trước đó, ngày 26/3/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu do lo ngại sự gia tăng nhập khẩu có thể gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước.
Trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, EC đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đối với 23/28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu bị điều tra. Mỗi nhóm sản phẩm có một mức hạn ngạch riêng, được tính toán trên cơ sở trung bình cộng của tổng lượng xuất khẩu của các nước vào EU trong 3 năm gần nhất (2015-2017). Hạn ngạch được cấp theo hình thức “trừ lùi” cho đến khi hết hạn ngạch, không phân bổ trên cơ sở tình hình xuất khẩu của từng quốc gia.
Thuế suất trong hạn ngạch bằng với thuế suất MFN hiện hành, khối lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch sẽ phải chịu thêm thuế suất nhập khẩu bổ sung là 25%. Biện pháp tự vệ tạm thời có thời hạn hiệu lực trong 200 ngày (từ 19/7/2018 đến 3/2/2019). Sau đó, trên cơ sở kết quả điều tra cuối cùng, EC sẽ quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ chính thức hay không.