Trao đổi tại một hội thảo vừa được tổ chức gần đây, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, năm 2017, Mỹ nhập khẩu 588,681 tỷ USD hàng tiêu dùng, chiếm 26% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó có 104,757 tỷ USD thực phẩm, thức ăn và đồ uống, chiếm 4,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trong năm 2018, khi hàng hóa nhập khẩu từ đối tác lớn nhất là Trung Quốc bị áp mức thuế 10%, 15%, thậm chí 25%, sẽ chính là cơ hội lớn để các nước khác, trong đó có Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
“Một khi hàng hóa của Trung Quốc khó xuất sang Mỹ thì quốc gia này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có VN. Đây là cơ hội cho không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, khi có thể mua được nguyên nhiên vật liệu, linh kiện, chi tiết, phụ tùng giá rẻ. Từ đó, hàng hóa sẽ tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu và có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Mỹ để thay thế phần nào hàng hóa Trung Quốc”, ông Thiên nhận định.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng cảnh báo đối với sản xuất hàng tiêu dùng thì căng thẳng thương mại Mỹ – Trung là đáng lo ngại. Vì khi hàng hóa “chất lượng Mỹ” không xuất khẩu được vào Mỹ thì Trung Quốc sẽ tìm cách “đổ bộ” vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Đánh giá tác động chung đến khu vực, TS Trần Đình Thiên cho biết, nhiều nền kinh tế châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và Đông Nam Á có thể chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Cụ thể, những nền kinh tế nói trên nằm trong nhóm xuất khẩu hàng hóa trung gian (như linh kiện điện tử) nhiều nhất sang Trung Quốc. Tại Trung Quốc, các hàng hóa trung gian này sẽ được lắp ráp, gia công thành hàng thành phẩm rồi xuất khẩu sang Mỹ.
“Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, đồng thời nhập siêu nguyên liệu từ Trung Quốc. Khi quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, việc điều chỉnh cơ cấu của Trung Quốc có thể thúc đẩy hàng hóa của nước này xuất khẩu vào Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với các sản phẩm từ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cũng giảm. Tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực có thể sẽ giảm xuống còn 4,9%”, TS Trần Đình Thiên đánh giá.
Cũng tại một hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội) cho biết chưa nhìn thấy những thay đổi về thương mại quá nhiều nên các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể yên tâm.
Theo ông Adam Sitkoff, những chiến lược thương mại bất ổn, không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến thương mại nói chung, nhưng nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục tranh cãi, chiến tranh với nhau, thì ở khía cạnh nào đó, sẽ tạo nhiều cơ hội cho của xuất khẩu Việt Nam.
Điều mà Việt Nam nên làm, theo ông Adam Sitkoff là phải xác định sản phẩm nào là thế mạnh của mình, sản phẩm nào có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.