Tỷ giá chưa hạ nhiệt
Hôm qua, ngày 11-7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.647 đồng, tăng 7 đồng so với phiên trước đó. Với biên độ ±3%, tỷ giá trần các NH được áp dụng là 23.326 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.968 đồng/USD. Sở Giao dịch NHNN tiếp tục duy trì giá mua vào ở mức 22.700 đồng/USD, và giá bán ra ở mức 23.050 đồng/USD.
Trong khi đó, các NHTM điều chỉnh tăng từ 5-10 đồng USD, như Vietcombank điều chỉnh giá USD thêm 5 đồng so với sáng hôm trước, lên mức 23.005-23.075 đồng/USD. ACB tăng giá mua 10 đồng, giữ nguyên giá bán, niêm yết ở mức 23.010-23.080 đồng/USD.
Ngày hôm qua, Sacombank là NH niêm yết giá bán USD cao nhất thị trường với 23.094 đồng/USD, tuy nhiên sau đó vài giờ đã giảm về mức 23.079 đồng/USD. Các NH mua vào ở vùng 22.090-23.010 đồng/USD, bán ra ở mức 22.075-22.080 đồng/USD.
Trong khi tỷ giá tại các NHTM vẫn liên tục được điều chỉnh quanh mốc 23.000 đồng, thì trên thị trường tự do, tỷ giá ngày càng bỏ xa mốc này.
Theo báo giá của một số tiệm vàng, tỷ giá được giao dịch trên địa bàn TPHCM ngày 11-7 đạt mức 23.170-23.200 đồng/USD, mức giá bán USD chỉ còn cách trần tỷ giá của NHNN 126 đồng. Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán MB nhận định, với các yếu tố nội tại, tỷ giá USD/VNĐ đang là mối quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, khi giá USD tự do đã xác lập đỉnh mới 23.180 đồng trong sáng ngày 8-7.
Thống đốc NHNN khẳng định, trong điều kiện hiện nay hoàn toàn có các công cụ và phương án cần thiết để can thiệp thị trường ngoại tệ, đảm bảo kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, giá USD cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy hạ nhiệt. Đó cũng là 2 mối quan tâm của nhà đầu tư hiện nay. Bên cạnh đó hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, đang là trở ngại trực tiếp của thị trường.
Trong trường hợp các yếu tố bên ngoài tạm êm hay NHNN sẽ can thiệp hiện tượng leo thang của tỷ giá thành công, nhà đầu tư vẫn trông chờ vào hoạt động mua/bán của khối ngoại, và thị trường chỉ phục hồi được khi khối ngay giảm bán hoặc thậm chí quay lại mua ròng mới tạo ra cú hích rất mạnh để “giải tỏa” tâm lý cho nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều áp lực hiện hữu
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM, thời gian vừa qua đóng góp của NHNN và chính sách tiền tệ nhất quán mục tiêu, đã giúp cho kinh tế vĩ mô ổn định.
Nhìn lại giai đoạn năm 2011 về trước, tình hình lạm phát lúc nào cũng cao, bình quân giai đoạn 2006-2010 là trên 10%/năm, từ 2011 đến nay CPI ở mức bình quân dưới 5%, và gần đây chỉ dưới 4%. Năm nay, sở dĩ có lo ngại lạm phát tăng hơn mục tiêu là vì đến cuối tháng 6, CPI tăng lên mức 3,29%. Tuy nhiên, 2 trọng số tác động lớn đến CPI Việt Nam là thịt heo và giá dầu thô, trong đó dầu thô có cộng hưởng với tỷ giá. Vì vậy, khi dầu thô vừa lên, tỷ giá cùng điều chỉnh tăng sẽ tạo ra lạm phát kép.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, từ khi NHNN áp dụng lãi suất huy động USD bằng 0%/năm, nên tỷ lệ tiền gửi bằng USD trong tổng huy động của NH giảm mạnh. Tuy nhiên, nhờ chính sách điều tiết hợp lý, dự trự ngoại tệ của Việt Nam đã tăng lên khoảng 65 tỷ USD, tạo cơ sở để NHNN có thể chủ động trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá. Do đó, tỷ giá USD/VNĐ năm nay cũng chỉ tăng khoảng 2% chứ không cao hơn.
Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính chia sẻ, hiện nay Việt Nam đang nằm trong nhóm nước dễ bị tổn thương do tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc, vì mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu đến 52,3%. Hai quốc gia đang diễn ra chiến tranh thương mại này lại là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nên khi chiến tranh thương mại leo thang, tác động sẽ càng lớn hơn.
Trong bối cảnh đó, đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá để cạnh tranh xuất khẩu, còn giá trị USD tăng, lãi suất USD sẽ tăng theo lộ trình, và dự kiến nhiều quốc gia cũng sẽ phá giá đồng tiền khi chiến tranh thương mại leo thang. Khi đó, dù muốn dù không VNĐ cũng sẽ đứng trước bài toán phá giá để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Đó là yếu tố bên ngoài. Còn bên trong cũng đã có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, trong đó nguy cơ đáng chú ý nhất đến từ đầu cơ. Dự trữ ngoại hối đang ở mức cao do NHNN tiếp tục mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm. Nhưng chính điều này cũng làm cho lượng cung tiền tăng mạnh.
Cung tiền tăng, thanh khoản dư thừa có thể kích thích các NH đầu cơ kinh doanh ngoại tệ nhiều hơn. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do chỉ chờ cơ hội để “đổ dầu vào lửa”. Hiện tỷ giá trên thị trường này liên tục lập kỷ lục mới và nếu chiến tranh thương mại leo thang, các nước phá giá nội tệ, tỷ giá tự do chắc chắn sẽ biến động.