Tuy nhiên, phần lớn các thông tin này đến với khách hàng không trung thực, thậm chí lợi dụng các doanh nghiệp uy tín để lừa dối khách hàng.
Tại một trụ điện trên đường Cộng Hòa (Tân Bình) có một mẩu quảng cáo: “Đất chợ, đối diện khu công nghiệp, ngay metro… giá 600 triệu đồng/nền… điện thoại…”. Chúng tôi liên lạc theo số điện thoại ghi trên mẩu quảng cáo thì được biết dự án ở Long An, những lô đất có giá 600 triệu đồng đã bán hết, chỉ còn 800 triệu đồng trở lên. “Đối diện metro là sao em?” – tôi hỏi lại thì được người phía đầu dây trả lời… “Metro đang quy hoạch”.
Trên đường đi làm anh Tr. nhận được tờ rơi tại ngã tư Út Tịch- Hoàng Văn Thụ, quảng cáo dự án cầu Xáng (thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM). Thấy giá cả hợp lý, có thể đầu tư sinh lời anh Tr. liền nhanh chóng “chốt” lịch hẹn với nhân viên bán hàng. Mức giá bán đưa ra khoảng 11,2 triệu đồng/m², diện tích các lô đất dao động 80-100m², được ưu đãi vay ngân hàng.
Để chắc chắn, trước khi đi thực tế anh Tr. và vợ tranh thủ lên mạng tìm hết các thông tin cũng như dự án mình sẽ đến xem. Ngoài ra, anh cũng gọi điện và nhắn tin cho người bán để hỏi lại nhiều lần xem có phải đất Bình Chánh hay không, sổ hồng riêng từng nền hay sổ hồng chung…, đồng thời nói thẳng với người bán nếu ở tỉnh sẽ không mua, không đi xem. Nghe người bán khẳng định chắc nịch đất nền huyện Bình Chánh, đã có người xây nhà để ở, nên vợ chồng anh yên tâm chạy tới địa điểm hẹn gặp ngay dưới chân cầu Xáng.
Sau một hồi dẫn khách đi ngang đường Thanh Niên thuộc huyện Bình Chánh, nhân viên bán hàng nói rằng đất TPHCM rất mắc, nên đã trót đi xem thì chạy luôn qua địa phận Long An để xem, vì dự án nằm ở nơi giáp ranh TPHCM, giá mềm hơn.
“Tới nơi, tôi thấy chỉ vài ngôi nhà lèo tèo mọc lên trong khu được giới thiệu là dự án, hệ thống điện cũng chưa có, người dân phải đấu nối, kéo điện từ ngoài vào, sử dụng nước giếng khoan… Tóm lại, mọi thứ rất ngổn ngang. Điều khiến người mua bức xúc chính là thái độ bán hàng, chủ ý lừa khách ngay từ đầu của nhân viên môi giới, không loại trừ khả năng đó cũng là chiêu trò của chính công ty chủ đầu tư dự án” – anh Tr. phản ánh.
Đã có không ít người dở khóc dở cười “đu” theo các nhân viên môi giới khi nhận thông tin giới thiệu dự án trên đường phố. Thông thường các thông tin ghi rất hấp dẫn, như giá rẻ, pháp lý rõ ràng, thậm chí có tờ quảng cáo còn ghi “dự án nhà nước hỗ trợ giá”… Chính vì vậy nhiều người thấy rẻ nên hẹn với nhân viên đi xem đất và được những người này cho “leo cây”.
Anh B. sau khi xem thông tin bán đất trên một… trụ điện đã chủ động hẹn với một nhân viên môi giới. Ngày chủ nhật, đến điểm hẹn, anh thấy có 3 chiếc xe 50 chỗ chờ sẵn. Mỗi hành khách được phát một ổ bánh mì, chai nước suối, khăn lạnh, có cô hướng dẫn viên trẻ trung mát mắt, ăn nói lịch thiệp. Hỏi những người cùng ngồi bên cạnh đều được khẳng định là mua đất quận 2, cùng trường hợp với mình, nên an tâm.
Thế rồi, cho đến khi xe chạy, vào quận 2, lên đường cao tốc, thẳng tiến Long Thành, lúc đó mọi người trên xe mới được giải thích: “Đất quận 2 hết rồi, mời bà con cô bác đi xem đất Long Thành, có ưng thì mua, còn không thì đi chơi đổi gió ngày cuối tuần”. Xem như nhiều khách hàng đã sập bẫy mà giới cò đất đã giăng sẵn.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, không cần hỏi nhiều, cứ thấy quảng cáo đất quận 2 mà có giá 20 triệu đồng trở lại là biết đất Nhơn Trạch hay Long Thành. Hay những mẩu quảng cáo “đất cửa ngõ thành phố, sổ đỏ từng lô, giá 600 triệu/nền” là biết Long An hay Bình Dương.
Thời gian qua, đã có không ít khách hàng mất tiền tỷ, kiện tụng tới lui nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, nguyên nhân xuất phát cũng vì tin vào những lời “đường mật” của nhân viên môi giới mà không chú ý tính pháp lý của dự án trước khi ký kết hợp đồng.
Có những dự án hàng trăm khách hàng bị “dính chưởng” đã kéo đi khiếu kiện khắp nơi, từ cơ quan truyền thông cho đến cơ quan công quyền, nhưng cho đến nay “tiền mất tật vẫn mang”. Vậy nên, khách hàng muốn mua nhà đất hãy tự bảo vệ mình, hãy kiên quyết nói không với sản phẩm chưa hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, cho dù những lời giới thiệu của cò có “mật ngọt” tới đâu…