Một đặc điểm dễ nhận thấy của nhiều cổ phiếu mới chào sàn vừa qua là thường có những phiên trao tay hàng triệu cổ phiếu, có giá trị hàng nghìn tỷ đồng trước khi niêm yết chính thức, chủ yếu đến từ các cổ đông tổ chức lớn, lãnh đạo doanh nghiệp… Có thể kể đến gần nhất là câu chuyện chào sàn của cổ phiếu YEG.
Chiêu “chạy vốn”
Chào sàn ngày 26/6 với mức giá khủng lên tới 250.000 đồng/ cp, cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 đã gây bất ngờ với giới đầu tư khi mức giá chào sàn cao hơn cả những cổ phiếu “vua” như Vinamilk, Sabeco.
Không chỉ gây xôn xao với mức giá chào sàn khủng, YEG còn gây chú ý với thương vụ “lạ” trước khi lên sàn của Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và cổ đông lớn trước thềm niêm yết.
Theo bản cáo bạch của công ty, tính đến ngày 24/5, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông tại Yeah1 đã có sự thay đổi đáng kể so với thời điểm cuối quý I/2018.
Cụ thể, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã giảm sở hữu từ 9,85 triệu cổ phiếu xuống 7,4 triệu cổ phiếu, tương đương 27,11% vốn và cổ đông lớn là DFJ VinaCapital giảm từ 8,5 triệu cổ phiếu xuống 1,95 triệu cổ phiếu, tương đương 7,14% vốn của Yeah1.
Ngoài ra, vào tháng 4, công ty phát hành cổ phiếu tỷ lệ 15% để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Như vậy, so với thời điểm ngày 31/3, ông Tống đã bán ra 3,91 triệu cổ phiếu và DFJ Vinacapital Venture cũng mạnh tay bán ra 7,82 triệu cổ phiếu trước khi Yeah 1 được niêm yết.
Không rõ ông Tống và DFJ VinaCapital đã bán số cổ phiếu trên với giá nào, nhưng trên thục tế, những thương vụ giao dịch này thường có mức giá khá thấp so với định giá chào sàn sau đó, giúp chủ sở hữu giao dịch trước đó đạt mức sinh lợi khổng lồ chỉ trong thời gian ngắn sau khi cổ phiếu chào sàn.
Trong lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán, không ít thương vụ như vậy đã diễn ra, mà hầu hết những chủ sở hữu mới của số cổ phiếu là người thân của ban lãnh đạo, cổ đông lớn doanh nghiệp.
Minh chứng rõ ràng nhất là những “chủ mới” của số 12 triệu cổ phiếu YEG được trao tay trước đó đã có thể lãi gần 44% sau 3 phiên tăng trần liên tiếp của YEG tính từ phiên chào sàn.
Đáng chú ý, phiên giao dịch thứ hai sau khi lên sàn, cổ phiếu YEG đã xuất hiện giao dịch thỏa thuận cho nhà đầu tư nước ngoài lên tới 7,82 triệu cổ phiếu tại mức giá 300.000 đồng/ cp, tổng giá trị đạt 2,346 tỷ đồng. Trong khi đó, thị giá của YEG trong phiên giao dịch ngày hôm đó là 321.000 đồng/cp.
Chiêu “thoát hàng” ngoạn mục
Gần đây, nhiều doanh nghiệp khi đưa cổ phiếu lên sàn thường đẩy giá lên cao ngất, sau đó phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn và giá tự động chia xuống thấp.
Có thể kể đến trường hợp của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – mã: FRT). Tham gia thị trường chứng khoán vào cuối tháng 4, cổ phiếu này có mức giá tham chiếu là 125.000 đồng/cp.
Sau khi chào sàn thành công, FPT Retail đã phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông tỷ lệ 70%, đẩy giá cổ phiếu xuống còn quanh 90.000 đồng/cp.
Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 70.000 đồng/cp, giảm 44% so với mức giá chào sàn, 22,2% so với mức giá sau khi chia tách. Đáng chú ý là trước khi chia tách, các quỹ ngoại thuộc công ty quản lý quỹ VinaCapital đã tranh thủ bán bớt số lượng cổ phiếu đang giữ tại FPT Retail.
Tương tự, Yeah1 cũng chào bán 7,8 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư với kỳ vọng thu về hơn 100 triệu USD ngay khi lên sàn.
Theo một chuyên gia chứng khoán, chiêu đẩy giá lên cao để phát hành thêm cổ phiếu mới và tách giá xuống thấp làm cho nhà đầu tư tưởng thị giá cổ phiếu rẻ.
Giả sử YEG có giảm sàn suốt 6 phiên giao dịch thì giá cũng sẽ còn quanh mức 140.000 đồng/cp, các cổ đông lớn của Yeah1 bán ra giá nào cũng có lời, thiệt hại chỉ dành cho những cổ đông nhỏ lẻ.
Sau khi phát hành thêm và niêm yết cổ phiếu bổ sung trên sàn, rất nhiều khả năng giá cổ phiếu sẽ được nâng lên, với thanh khoản đạt mức cao trong một thời gian nhằm tạo cơn sốt và thu hút dòng tiền.
Lúc này, cổ phiếu sẽ từ những cổ đông cũ chuyển nhượng qua cổ đông mới, giá trị có thể là giả, nhưng khoản tiền nhà đầu tư mới bỏ ra để mua cổ phiếu thì chắc chắn là thật.
Một diễn biến thường thấy của các doanh nghiệp mới chào sàn là động thái tăng vốn “khủng” và “thần tốc”. Việc tăng vốn để tăng quy mô kinh doanh là cần thiết, nhưng thông thường chỉ xảy ra tại thời điểm trước khi lên sàn lại khiến nhiều người đặt ra nghi vấn.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp tăng vốn không phải vì mục tiêu phát triển kinh doanh, mà đơn thuần là chiêu trò “làm đẹp” báo cáo, tiếp thị hình ảnh và rồi sau khi lên sàn thì hàng loạt cổ đông nội bộ đã nhanh chóng thoái vốn để kiếm lợi.
Thị trường chứng khoán luôn luôn tìm kiếm những cái tên mới, nhằm thu hút giới đầu tư giải ngân thay đổi khẩu vị, nhưng trước khi quyết định xuống tiền cần có sự theo dõi kỹ càng đối với những cái tên mới.
Nếu “nhẹ dạ cả tin” các cổ đông nhỏ lẻ rất dễ trở thành miếng mồi “béo bở” cho những tay đầu tư lão luyện, hay chính cổ đông lớn và ban lãnh đạo của những doanh nghiệp này.