Tuy nhiên, việc tranh mua với giá cao khiến cho NĐT gặp nhiều rủi ro, bởi nhiều NH vẫn đang hoạt động trong tình trạng “vá víu” cho những khoản lỗ từ các năm trước.
Giá tăng từng ngày
Trên thị trường OTC là NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) trở thành hiện tượng với sức nóng tăng lên từng ngày. Nếu thời điểm cách đây 1 tuần, TCB còn đang giao dịch chỉ ở mức 80.000 đồng/CP, nhưng đến cuối tuần vừa qua đã có nhiều NĐT chào bán TCB với mức giá lên đến 96.000 đồng/CP.
Không chỉ có TCB, CP của các NH có kế hoạch niêm yết cũng trở thành mục tiêu săn lùng của giới đầu tư trên thị trường OTC. Đơn cử, NHTMCP Tiên Phong (TPBank) đang được chào mua với giá lên đến 25.000 đồng/CP, NHTMCP Phương Đông (OCB) 18.500 đồng/CP, NHTMCP An Bình (ABBank) 11.000 đồng/CP, NHTMCP Đông Nam Á (SeaBank) 14.000 đồng/CP. Nhóm CP NH còn lại như NHTMCP Đại chúng (PVCB), NHTMCP Hàng hải (MSBank) dù đang giao dịch dưới mệnh giá nhưng cũng có nhiều thông báo chào mua với số lượng lớn.
Việc nhóm CP NH nổi sóng trên thị trường OTC là hiện tượng không khó lý giải, nếu nhìn vào đợt sóng niêm yết của các NH trong năm vừa qua. Theo thống kê, năm 2017, làn sóng đưa các NH lên sàn chứng khoán đã khiến cho số lượng CP giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM lên đến con số 15 (gấp đôi năm 2016).
Đáng chú ý, các nhóm CP NH sau khi chào sàn đều ghi nhận được mức tăng tương đối cao (trung bình 50%). Tuy nhiên, mức tăng này vẫn khiêm tốn nếu so với mức tăng từ 75-100% của những CP NH “cựu binh” như NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG), NHTMCP Quân đội (MBB), NHTMCP Á Châu (ACB), NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Tâm lý lên sàn là thắng, cộng với sự kỳ vọng lớn về sự hồi sinh của lĩnh vực NH sau giai đoạn khó khăn và những thông tin về việc tăng vốn thông qua việc chào bán cổ phần cho NĐT ngoại, chính là những nguyên nhân khiến cho nhóm CP NH dậy sóng ngay trên thị trường OTC.
Khó tạo sóng sau khi lên sàn?
Ở thời điểm hiện nay, thị giá 96.000 đồng/CP của TCB đang là mức giá cao nhất trong nhóm CP NH. Đây là mức giá ngay cả NĐT lạc quan nhất cũng không thể nghĩ đến cách đây khoảng 1 năm. Tại thời điểm này, TCB cũng chỉ giao dịch ở mức giá khiêm tốn 10.000 đồng/CP và nhận sự chỉ trích từ cổ đông tại ĐHCĐ thường niên 2017 do nhiều năm liền không chia cổ tức. Tuy nhiên, TCB đã có sự “lột xác” cực kỳ ấn tượng với lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt 6.446 tỷ đồng (gấp đôi năm 2016).
Theo thống kê, với 993 triệu CP đang lưu hành, TCB trở thành 1 trong những NH có lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) cao nhất, đạt 6.490 đồng/CP. Kết quả này đưa TCB vào Top 3 NH có tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cao, trong khi tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) thấp nhất hệ thống.
Đặc biệt, TCB là NH có cơ cấu nguồn thu đa dạng nhất trong các NHTM. Nhiều dự báo cho rằng, TCB sẽ tiếp tục ghi nhận được kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2018, nhưng với mức giá cao chót vót như hiện nay khả năng tạo sóng của TCB sau khi niêm yết giảm đi đáng kể.
Trên sàn niêm yết chính thức, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) hiện đang giao dịch ở mức 71.800 đồng/CP, kế tiếp là NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) 62.000 đồng/CP. Các NH còn lại đều giao dịch dưới mốc 50.000 đồng/CP như: NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB) 43.500 đồng/CP, CTG 32.700 đồng/CP, NHTMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BID) 37.800 đồng/CP, MBB 34.200 đồng/CP, SHB 12.700 đồng/CP, NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) 15.700 đồng/CP, NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) 15.000 đồng/CP, NHTMCP Kiên Long (KLB) 10.000 đồng/CP. Trong khi đó, ACB dù ghi nhận mức tăng hơn 100% nhưng hiện cũng chỉ giao dịch ở mức 46.500 đồng/CP.
Nhận định về sóng sau niêm yết cũng được đặt ra với nhóm CP còn lại như TPBank, OCB hay ABBank. Đối với các NH này, mức giá hiện tại có thể không quá cao và NĐT có thể chấp nhận mua vào, nhưng sự kỳ vọng về sức bật trong thời gian tới không nhiều, do phải giải quyết những hậu quả từ những năm trước để lại.
Đơn cử là trường hợp của TPBank, NH này vẫn chưa thật sự khiến cho cổ đông an tâm dù đã có nhiều nỗ lực xử lý khoản lỗ lũy kế từ năm 2011. TPBank được thành lập vào tháng 5-2008 với cổ đông sáng lập chính là Tập đoàn FPT (chiếm 17% vốn điều lệ), cùng với các cổ đông lớn khác như Mobifone và Tổng Công ty Tái bảo hiểm quốc gia (VINARE).
Tuy nhiên, sau gần 4 năm hoạt động, lợi thế công nghệ và viễn thông của các cổ đông lớn không được tận dụng tốt và TPBank bị xếp vào nhóm NH yếu cần tái cơ cấu với mức lỗ lũy kế trên 1.300 tỷ đồng năm 2011. Hoạt động kinh doanh kém hiệu quả năm 2011 dẫn đến hậu quả lỗ lũy kế và thặng dư vốn âm kéo dài.
Năm 2012, TPBank buộc phải tăng vốn điều lệ thông qua phát hành mới với giá 4.500 đồng/CP khiến NH ghi nhận thặng dư âm vốn chủ sở hữu 1.020 tỷ đồng trong năm 2012. Do vậy, lợi nhuận sau thuế giữ lại của TPBank trong giai đoạn 2013-2015 chủ yếu giải quyết phần thâm vốn chủ sở hữu, do lỗ lũy kế và thặng dư âm bắt đầu được bù đắp vào từ năm 2016. Ở thời điểm hiện nay, dù nợ xấu được kiểm soát nhưng tỷ lệ trích lập dự phòng vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của TPBank trong các năm 2016-2018.