Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang rất lo ngại trước biến động tỷ giá VND/USD và xu hướng phá giá nội tệ ngày càng mạnh của các quốc gia cùng khu vực. Bởi các yếu tố này khiến doanh nghiệp Việt mất đi lợi thế cạnh tranh về giá thành.
“Các đồng tiền khác trong khu vực đã giảm giá mạnh so với USD, trung bình từ 5 – 7%, trong khi VND chỉ giảm giá khoảng 2 – 3% từ đầu năm tới nay. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam thiệt đơn thiệt kép.
Một mặt, giá thủy sản xuất khẩu của chúng ta cao hơn các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, khiến doanh nghiệp nội địa bị mất khách hàng, nhất là tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Thái Lan.
Mặt khác, các nhà nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc đang tận dụng cơ hội này để ép doanh nghiệp Việt phải hạ giá sản phẩm”, đại diện VASEP cho biết.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, VASEP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ để kịp thời xem xét điều chỉnh VND với tỷ lệ hợp lý trong tương quan điều chỉnh tỷ giá của các nước trong khu vực.
Không riêng thủy sản, tại lĩnh vực dệt may, nỗi lo tỷ giá cũng đang đeo bám nhiều doanh nghiệp trong ngành, dù tác động cho đến nay được đánh giá là chưa quá lớn.
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ nhận định, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu tác động từ sự biến động của tỷ giá, chính sách lãi suất, từ đó ảnh hưởng tới giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.
Hiện tại, đồng nhân dân tệ đang giảm giá mạnh so với USD, khiến hàng may mặc xuất khẩu của doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng sức cạnh tranh so với hàng hóa Việt Nam tại các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU).
Chưa kể, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng, vấn đề nguồn gốc, xuất xứ cũng khiến các doanh nghiệp ngành dệt may lo ngại.
“Nếu tiếp tục nhập khẩu vải, nguyên phụ liệu ngành may từ Trung Quốc nhiều như hiện nay, Việt Nam cũng như một số quốc gia khác sẽ bị Hoa Kỳ đưa vào tầm ngắm, đối mặt với nguy cơ chịu thuế cao hơn vì xuất khẩu hộ”, ông Hòa khuyến cáo.
Theo dự báo của PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), trong thời gian tới, tỷ giá sẽ vẫn chịu sức ép tăng mạnh bởi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang. Hiện tại, nhân dân tệ giảm mạnh, trong khi USD tăng giá khiến hàng hóa Trung Quốc tràn vào nhiều hơn.
Do đó, ông Thành cho rằng, nên có chính sách điều chỉnh giá VND so với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của nhân dân tệ so với USD để hưởng lợi và cải thiện tình trạng sản xuất trong nước. Ví dụ, Việt Nam giảm giá tiền đồng 2 – 3% là có thể chấp nhận được.
“Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu Việt Nam vừa hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc, vừa hưởng lợi từ việc xuất khẩu sang Mỹ.
Việc tận dụng hai thị trường lớn này có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại. Đây là “tương kế tựu kế” đón cơ hội trong khó khăn để lật ngược tình thế, giảm bớt các tác động tiêu cực và tận dụng lợi thế để hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong nước”, ông Thành lý giải.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, còn nhiều dư địa và nguồn lực để điều chỉnh tỷ giá nếu thị trường xuất hiện biến động mới.
Cụ thể, Việt Nam đang sở hữu nguồn lực dự trữ ngoại hối khoảng 64 tỷ USD và mới sử dụng khoảng hơn 1 tỷ USD để điều tiết thị trường tiền tệ trong đợt điều hành tỷ giá vừa qua. Chưa kể, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn duy trì ở mức cao, chứng khoán tuy có giảm điểm nhưng không đáng lo ngại. Do đó dư địa và nguồn lực vẫn còn nhiều.
Tuy nhiên, ông Hồ cảnh báo, trong dài hạn, xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền, tác động trực tiếp tới thương mại, sau đó lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác như đầu tư, chứng khoán, công nghệ, cũng như tâm lý xã hội. Do đó, mọi sự điều chỉnh cẩn được tính toán một cách cẩn trọng.
“Tỷ giá sẽ trở nên hết sức nhạy cảm nên cần được điều hành một cách linh hoạt và phù hợp để cân bằng lợi ích giữa xuất khẩu, nhập khẩu, trả nợ nước ngoài, đảm bảo ổn định thị trường trong nước”, ông Hồ lưu ý.