Tín dụng tăng nhanh
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), tính đến cuối tháng 5/2018, tín dụng tăng khoảng 5,8% so với cuối năm 2017, trong đó tín dụng VND ước tăng 5,6%, chiếm 91,9% tổng tín dụng. Trong 5 tháng đầu năm 2018, tín dụng trung dài hạn tăng khoảng 5,4%, tín dụng ngắn hạn tăng khoảng 6,5%. Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn chiếm 52,7% tổng tín dụng, không biến động so với cuối năm 2017.
Dữ liệu mới nhất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng tăng trưởng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Dư nợ tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm; đến ngày 31/5, tín dụng tăng 6,16% so với cuối năm 2017. Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng trưởng cao, nhiều ngân hàng còn cho biết chỉ tiêu tín dụng được NHNN giao trong năm nay hiện đã gần hết và đang có nguyện vọng muốn được tăng “ room” tín dụng.
Tuy nhiên phía NHNN cũng cho rằng việc xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD) được thực hiện tương tự như các năm trước đây và trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, quy mô tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ.
Sớm dỡ bỏ các quyết định hành chính
Nhìn lại trong thời gian qua thấy rằng, chính sách tiền tệ đã đạt được 2 mục tiêu là duy trì ổn định đặc biệt giá trị đồng tiền và ổn định lạm phát thấp nhưng hỗ trợ tăng trưởng. Sức cầu trong nền kinh tế tốt, xuất khẩu tốt, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo trong nước tăng trưởng. Do vậy theo nhìn nhận của giới chuyên gia với những kết quả đạt được trong kinh tế vĩ mô thì công cụ điều hành chính sách tiền tệ cần có lộ trình. Từ đầu năm 2018 đến nay do áp lực vừa điều hành vĩ mô, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nên chính sách tiền tệ thiên về can thiệp hành chính như trần lãi suất, quota tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, dù cơ quan quản lý chịu áp lực dùng biện pháp hành chính để dễ điều hành và có quan điểm nói cần vẫn áp dụng do nhiều trục trặc chưa sửa được trước đó nhưng nếu nhìn vào các kết quả đạt được thì nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân đang đặt niềm tin vào ổn định kinh tế vĩ mô. Và đây chính là thời điểm cần thiết để NHNN thay thế dần các lộ trình này và quản lý hiệu quả hơn bằng các công cụ gián tiếp.
Ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng thay vì đặt từng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thì Chính phủ, Quốc hội đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng chung cho toàn ngành. Năm 2018 là đặt ra con số tăng trưởng 17- 19%, tức là con số này chỉ mang tính định hướng, khác với chỉ tiêu lạm phát là dưới 4%. Như vậy đồng nghĩa là chúng ta đang điều hành theo định hướng.
Vẫn theo phân tích của ông Thành, các ngân hàng thương mại có hoạt động tốt liên tục trong tình cảnh vừa cho vay vừa lo hết “quota”. Không ít nhà băng, sau nửa năm đã dùng hết chỉ tiêu và lại xin nới tiếp vào cuối năm. Một số nhà băng chất lượng tín dụng tốt, cho vay ổn định, đến cuối năm phải đối phó việc hết “room” tín dụng bằng cách điều chỉnh khoản vay sang đầu năm sau.
“Một số ngân hàng khi quy mô đã lớn, có thể không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng cao. Ngược lại, một số nhà băng nhỏ nhưng hoạt động lành mạnh, có tiềm năng tăng trưởng cao lại bị hạn chế bởi công cụ này. Khi hệ thống ngân hàng đã lành mạnh, tình trạng yếu kém đã được khắc phục, tôi nghĩ có thể dỡ bỏ những biện pháp này”-ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Ở góc độ khác, một số ý kiến cho rằng việc nới “room” tín dụng cần được NHNN xem xét cẩn thận, bởi mở rộng tín dụng đi cùng nhiều rủi ro nếu tình trạng phân bổ tín dụng không rõ ràng, kiểm soát dòng vốn không tốt theo thời gian có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới việc điều hành, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các TCTD.