Điểm mặt “danh sách đen”
Quyết định hủy niêm yết cổ phiếu DVD được ban hành khá chóng vánh, 1 tuần sau khi tin tức về khả năng phá sản của DVD chính thức được loan ra. Tuy nhiên, với tất cả nhà đầu tư, quyết định này xảy ra quá muộn. Bởi theo giới phân tích, dù DVD không vi phạm các quy định về hủy niêm yết bắt buộc, nhưng sai phạm ở công ty này là rất nghiêm trọng và lẽ ra phải bị kỷ luật mạnh từ lâu.
Tại các diễn đàn mạng, nhà đầu tư trách HOSE, UBCK đã quá thờ ơ. Cả khi DVD lờ tịt việc công bố thông tin, cũng như không nộp nhiều BCTC, HOSE cũng chỉ có nhắc nhở mà không có động thái mạnh mẽ tương xứng.
Nhìn lại những cổ phiếu từng bị hủy niêm yết bắt buộc, trùng hợp khi thấy BBT, BTC, VTA, FPC… đều rời sàn khi ở thế quá bế tắc. Do đó, đã có nhà đầu tư ví von, thông tin cổ phiếu bị hủy niêm yết chẳng khác nào hồi chuông báo tử cho số phận cổ phiếu.
Ở những hình thức kỷ luật khác như kiểm soát hay cảnh báo, nhà đầu tư không thấy DN có nhiều cơ hội để “gỡ”. Lý do, cổ phiếu bị kiểm soát thường cũng vướng vào những vấn đề nghiêm trọng. Chẳng hạn, VKP, MHC, IFS, FBT, TRI đều là những gương mặt “đen sì” khi thua lỗ liên tục nhiều quý và phần lớn đều mập mờ trong công bố thông tin.
Nên có sự thay đổi
Ngoài ý kiến nên giám sát và nâng tầm công bố thông tin, nhất là công bố thông tin bất thường ở DN, ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHB cho rằng, các Sở cần thay đổi cách đưa chứng khoán vào diện cảnh báo của thị trường. Dấu hiệu DS mà các Sở gán bên cạnh những cổ phiếu thuộc diện cảnh báo trên thực tế ít người chú ý. Nếu có chú ý thì cũng chưa chắc đã hiểu hay thấy được tầm mức… cảnh báo. Bởi cổ phiếu bị cảnh báo mà vẫn giao dịch như không bị cảnh báo. Do đó, không thiếu trường hợp nhà đầu tư vô tư mua bán cổ phiếu bị cảnh báo, chỉ đến khi “cái nhọt” bung vỡ, nhiều người mới hay mình mua phải hàng “rởm”.
Để bảo vệ nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng, hai Sở nên tạo ra nhiều khác biệt. Chẳng hạn, ông Lân góp ý, thay vì giữ nguyên thứ tự bảng giao dịch, các Sở có thể đặt những cổ phiếu bị “tuýt còi” sang một cột khác, tô đậm… Tốt hơn nữa, 2 Sở có thể tạo box cạnh cổ phiếu và thông tin vắn tắt về lý do và thời gian bị “tuýt còi”.
Tuy nhiên, để tăng mức độ cảnh giác cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn với các hình thức phạt. Theo cách hiện tại, hủy niêm yết là biện pháp mạnh nhất. Nhưng đợi đến mức cổ phiếu bị hủy niêm yết, cổ đông xem như chẳng còn gì. Vì thế, 2 Sở có thể ngăn chặn nguy cơ nhà đầu tư mua hớ cổ phiếu bằng cách siết kỷ luật khi DN ở diện kiểm soát hay cảnh báo.