Các hợp đồng tương lai vừa qua lại tiếp tục sụt giảm tới gần 50 điểm, nhưng điểm tích cực lần này là người chơi đã không còn tâm lý bi quan. Có lẽ nhờ việc các CTCK đã phần nào xử lý xong các nghiệp vụ margin, nên không để cơn hoảng loạn nào diễn ra. Theo các nhà phân tích, chỉ số giảm 3-5% trong một ngày bình thường có thể là một điều tồi tệ, nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, điều này lại khá ổn.
Một chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt – VDSC cho rằng, ngày 1/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm vào Mỹ. Không chỉ dừng lại ở đó, Mỹ còn đe dọa sẽ đánh thuế lên mặt hàng xe hơi từ EU. Trong mối lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại, nhà đầu tư cần lưu ý về tác động của luật thuế mới này trên cả hai phương diện đầu tư và tỷ giá để hạn chế những rủi ro.
Cùng với đó, tới đây, luồng tiền đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ giảm. Xu hướng này đến từ việc Mỹ khuyến khích các công ty đầu tư vào quốc gia này, giảm thâm hụt thương mại và khuyến khích sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đơn cử, mức thuế nhập khẩu không áp bảo hộ của Mỹ với máy giặt nguyên chiếc sản xuất tại Việt Nam và Thái Lan là 1%, riêng linh kiện máy giặt chịu mức thuế 2%. Điều này buộc Samsung phải xây dựng nhà máy sản xuất máy giặt tại Mỹ và đã bắt đầu hoạt động từ ngày 12/1/2018. Cùng với đó, LG cũng chuẩn bị xây dựng nhà máy tại Mỹ. Trong khi đó, năm 2017, Việt Nam và Thái Lan là hai nước có giá trị xuất khẩu máy giặt lớn nhất sang Mỹ.
Ngoài ra, sự sụt giảm lượng vốn FDI Hàn Quốc đổ vào Việt Nam cũng là điểm đáng bàn với thị trường chứng khoán, thay vì mở rộng đầu tư tại Việt Nam các nhà đầu tư có thể sẽ rút lợi nhuận kinh doanh chuyển sang Mỹ đầu tư để được hưởng lợi từ chính sách thu hút thuế mới. Ngày 28/6 tới đây, trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ của Tổng thống Moon Jea-in, các DN Hàn Quốc đã cam kết đầu tư vào Mỹ trong 5 năm tới và đưa ra danh sách mua hàng Mỹ lên đến 35 tỷ USD.
Điểm quan trọng nữa là các hàng rào thuế quan đã hỗ trợ thêm sự tăng giá của USD. Trong khi đó, việc khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Mỹ ra nước ngoài sẽ khiến cho nhu cầu đối với đồng USD tăng lên, tạo ra hiệu ứng tăng giá đối với đồng tiền này.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2018 đến nay, USD vẫn rớt giá tiếp nối xu hướng bắt đầu từ năm 2017. Thực tế là kể từ khi ông Donald Trump đắc cử, USD đã yếu đi so với hầu hết các đồng tiền trong nhóm G10, USD đã giảm 9,8% năm 2017 mặc dù FED đã thông báo sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 3 lần trong năm 2018.
Quan trọng nhất là ngày 10/1 vừa qua, Cơ quan Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) phủ nhận thông tin Trung Quốc sẽ ngừng việc mua trái phiếu Mỹ và đây cũng là tín hiệu tích cực cho USD tăng giá. Tại Việt Nam, sau Tết Nguyên đán, VND mất giá mạnh so với USD. Trong khi đó, năm 2017 tỷ giá trung tâm của VND cũng đã giảm 1,2% so với USD. Đây là một vấn đề nhà đầu tư rất cần quan tâm.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam có những chao đảo trong thời gian vừa qua phần nhiều do diễn biến của thị trường thế giới. Điều này có thể kéo dài nếu Mỹ tiếp tục đưa ra những chính sách quản lý không thuận lợi cho nền kinh tế các nước là đối tác thương mại.
Trong bối cảnh này, nhà đầu tư chứng khoán có quyền kỳ vọng một cú hồi trong vòng 1-2 phiên tới của VN-Index để tranh thủ cơ hội mua vào lúc này. Thế nhưng, những nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, việc “mua hàng giảm giá” chỉ dành cho những nhà đầu tư tỉnh táo. Ở thời điểm này, khi VN-Index vẫn đang trong vùng biến động, giới phân tích khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng khi quyết định giải ngân…