Còn trên website của DVD, lần cập nhật cuối là dịp ĐHCĐ bất thường vào cuối tháng 3/2011.
Chưa kiểm toán, chưa bán tài sản
Với đa phần NĐT cá nhân, hoạt động của CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) gần đây bị phủ một màn sương dày đặc. Công ty đã không thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin bắt buộc như báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2010, BCTC quý I và quý II/2011, nên từng bị cơ quan quản lý nhắc nhở. Còn trên website của DVD, lần cập nhật cuối là dịp ĐHCĐ bất thường vào cuối tháng 3/2011.
Lần cuối cùng DVD chủ động công bố thông tin qua cơ quan quản lý thị trường là từ cuối tháng 4/2011 (giải trình việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp). Phía sau sự êm ả giả tạo này là các con sóng ngầm dữ dội, mà mới đây, Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) thông báo đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và được TAND TP. HCM chấp thuận là con sóng ngầm thứ nhất xô bờ.
Ngay khi tin xấu về DVD được loan tải, các chủ nợ lớn nhất của Công ty được điểm mặt chỉ tên dựa theo BCTC chưa kiểm toán quý IV/2010. Thực tế, trong phiên họp ĐHCĐ bất thường cuối tháng 3/2011, các cổ đông tham dự đã được Ban lãnh đạo DVD thông báo, Công ty kiểm toán Ernst& Young Việt Nam từ chối kiểm toán BCTC niên độ 2010. Thay thế, DVD tuyên bố đã lựa chọn và thỏa thuận các điều khoản liên quan đến việc kiểm toán với Công ty kiểm toán UHY.
5 tháng đã trôi qua, báo cáo kiểm toán của DVD vẫn chưa được công bố. Theo xác minh của ĐTCK, BCTC niên độ 2010 của DVD chưa hề tồn tại. Không chỉ UHY, mà DVD cũng không đạt được thỏa thuận kiểm toán với một số công ty kiểm toán khác. Về các số liệu này trong ĐHCĐ bất thường, bản thân Ban lãnh đạo Công ty hiện nay thậm chí cho biết không thể tự tin về độ chính xác khi vắng mặt kế toán trưởng cũ (bị bắt giam).
Cũng trong phiên họp ĐHCĐ bất thường trên, Ban lãnh đạo DVD cho biết, 728 tỷ đồng là khoản tiền và lãi vay ngân hàng tính đến cuối năm 2010. Vì điều này, 6 ngân hàng giám sát DVD rất chặt. Công ty bị yêu cầu bán phần lớn tài sản để trả nợ.
Đứng trước áp lực này, 100% cổ đông dự họp đã đồng thuận với phương án bán Nhà máy Lili of France (ước thu về 200 tỷ đồng); bán 2,6 triệu cổ phiếu Công ty Dược Savifarm (giá trị sổ sách hơn 36 tỷ đồng) và bán 27 bất động sản nằm rải rác ở 16 tỉnh, thành phố.
Mới đây, khi thông tin DVD phá sản được loan tải, nhiều cổ đông DVD đã phản ánh về Báo ĐTCK lo ngại kịch bản “ve sầu thoát xác” tẩu tán tài sản. Lo ngại này là có lý, khi từ cuối năm 2010, một loạt tổ chức như Bank Invest Private Equity New Markets II và Deutsche Bank Ag London đã thoái hàng triệu cổ phiếu DVD thành công. Bên cạnh đó, dù bị Ngân hàng ANZ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DVD từ ngày 10/5/2011, được Tòa án chấp thuận vào ngày 5/8, nhưng tới ngày 25/8 thông tin mới loan tải trên thị trường.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, tài sản có giá nhất của DVD là Nhà máy Lili of France (Bắc Ninh), nhưng hiện tại, DVD vẫn chưa bán được, dù có đối tác bày tỏ sự quan tâm. Một trong các lý do khiến người mua không mấy mặn mà là suất đầu tư của nhà máy DVD đang nắm khá cao so với các DN cùng ngành, gây khó khăn cho việc mua lại hay đầu tư tiếp (Nhà máy đã được đầu tư 300/456 tỷ đồng dự kiến).
Thực tế, khi DVD tổ chức ĐHCĐ, Nhà máy Lili of France đã phải ngưng hoạt động từ trước đó một tháng. Sau đại hội, Nhà máy đã khôi phục sản xuất, nhưng chỉ ở mức cầm chừng. Để cắt giảm chi phí, số công nhân từ vài trăm người nay giảm xuống còn vài chục người.
Phát sinh rắc rối mới
Một diễn biến khác không kém phần căng thẳng xảy ra ở Chi nhánh DVD TP. HCM. Hiện tại, chi nhánh hoạt động cầm chừng và một số cán bộ, nhân viên DVD cầu cứu cơ quan chức năng can thiệp giải quyết một số khúc mắc.
Theo phản ánh, vào đầu năm 2010, ông Lê Văn Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT DVD đã kêu gọi cán bộ, nhân viên Chi nhánh tham gia mua trái phiếu công đoàn DVD. Người ít thì chục triệu đồng, người nhiều thì vài trăm triệu đồng theo hình thức nộp tiền mặt hoặc được ông Dũng bảo lãnh cho vay ngân hàng. Hàng trăm người tham gia lời kêu gọi với số tiền riêng tại Chi nhánh TP. HCM lên tới 13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời hạn trả nợ thì lãnh đạo DVD bị bắt, khiến nhiều cán bộ, nhân viên vay ngân hàng lâm vào cảnh “khóc dở mếu dở”.
Giải quyết vấn đề này, Ban lãnh đạo DVD hiện nay đã từng họp cam kết gánh nợ ngân hàng giùm và trả tiền cho nhân viên vào tháng 9 tới. Nhưng sau đó, một số ngân hàng vẫn ráo riết yêu cầu người vay là cán bộ, nhân viên DVD phải bổ sung tài sản đảm bảo hoặc tiến hành thu hồi nợ. Cực chẳng đã, một số người đã viết đơn tố cáo với cơ quan chức năng.
Trong phiên họp ĐHCĐ, Ban lãnh đạo DVD cũng đã thừa nhận với các cổ đông rằng, Công ty đang vướng khoản cam kết 48 tỷ đồng cổ phiếu tri ân với khách hàng và chương trình trái phiếu công đoàn với tổng số tiền 41 tỷ đồng. Công ty chưa có kế hoạch cụ thể nào giải quyết cả hai vấn đề này.
Tìm hiểu sâu hơn về hoạt động quản trị của DVD, ĐTCK nhận thấy, Công ty còn đang che giấu một số thông tin khác. Chẳng hạn, 2/3 thành viên HĐQT DVD mới được bầu trong ĐHCĐ bất thường tháng 3/2011 đã rời cương vị này từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, nhưng cổ đông không hề hay biết, do Công ty không công bố.
Về nguyên tắc, trước khi nhận phán quyết phá sản thực sự, DVD vẫn có thể trải qua giai đoạn khôi phục sản xuất – kinh doanh và luật cũng cho phép các thủ tục phá sản kéo dài tới 3 năm. Tuy nhiên, với nhiều con sóng ngầm dữ dội phía sau màn sương mù khỏa lấp, phép màu nào có thể giúp con tàu trong tâm bão DVD không đắm?