Trong danh sách này, CTCP Lương thực TP.HCM – Foodcosa (FCS) từng đăng tải thông tin tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 từ cuối tháng 3, tài liệu họp cũng đã được công bố với ngày tổ chức dự kiến là 14/4.
Thế nhưng, đến 17/4, Hội đồng quản trị công ty này lại ra nghị quyết hoãn thời gian tổ chức họp với lý do Công ty đang trong quá trình điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thông qua thay đổi vốn điều lệ từ 294,5 tỷ đồng xuống còn 255,13 tỷ đồng, nên chưa thống nhất tỷ lệ biểu quyết tại Đại hội. Từ đó đến nay, FCS chưa có thêm một thông báo nào liên quan tới việc tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên.
FCS thua lỗ liên tục trong năm 2015 – 2016 và 2 quý đầu năm 2018. Tại thời điểm 30/6/2018, Công ty ghi nhận lỗ lũy kế 109,1 tỷ đồng. Hiện vốn chủ sở hữu của FCS nằm hết trong tài sản cố định, Công ty không có nguồn vốn kinh doanh, vốn lưu động âm. Kinh doanh thua lỗ, đất đai quản lý hiện nay chủ yếu là đất thuê nên Công ty không huy động được vốn từ ngân hàng phục vụ sản xuất – kinh doanh.
Cũng bị tạm dừng giao dịch vì chậm tổ chức đại hội đồng cổ đông, ngày 23/7, CTCP Đầu tư xây dựng thương mại Dầu khí – IDICO (PXL) đã nhanh chóng có văn bản xin gia hạn thời gian tổ chức Đại hội.
Theo PXL, việc chốt danh sách cổ đông dự họp đã được Công ty thực hiện xong từ ngày 10/4, thời gian tổ chức cũng dự kiến trong tháng 6, tuy nhiên do Công ty đang trong giai đoạn sắp xếp lại bộ máy, thực hiện đề án tái cơ cấu nên một số tài liệu trình đại hội 2018 của PXL cần sửa đổi, điều chỉnh lại cho phù hợp. Để tuân thủ đúng trình tự thủ tục tiến hành đại hội, Công ty xin gia hạn thời gian tổ chức tới trước 31/8/2018, vì không kịp tiến hành trong tháng 7.
Hiện PXL có 2 cổ đông tổ chức lớn là Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 16% và 8,53%. Trong đó, PVC đang đối mặt với quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, bên cạnh gánh nặng thua lỗ do đầu tư tài chính. Đáng chú ý, theo Đề án tái cơ cấu của PVC, PXL là một trong những doanh nghiệp nằm trong diện phải thoái toàn bộ vốn.
Bên cạnh những doanh nghiệp vi phạm thời hạn tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên thì trong danh sách 13 doanh nghiệp trên cũng có doanh nghiệp đã tổ chức họp, nhưng biên bản và nghị quyết họp vẫn “bặt vô âm tín”.
CTCP Tư vấn xây dựng thủy lợi II (HEC) là một ví dụ. Trên website của Công ty, thông tin cho biết: “Ngày 26/4/2018, Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi II khai mạc vào lúc 8h00′ […]. Đại hội đã làm việc và đạt ra các chỉ tiêu kế hoạch cho nhiệm kỳ mới cũng như các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cụ thể cho năm tài chính 2018”.
Ấy vậy mà, trên hệ thống thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), không có bất cứ thông tin nào cho thấy doanh nghiệp này đã nộp Nghị quyết, biên bản họp. Tài liệu họp cũng không được công bố khiến nhà đầu tư bên ngoài không nắm bắt được thông tin gì liên quan đến doanh nghiệp này.
Hiện HEC cũng chưa công bố báo cáo tài chính quý I và quý II/2018. Báo cáo nộp gần nhất là báo cáo tài chính 2017 và báo cáo thường niên 2017.
Theo cảnh báo của HNX, sau thời hạn tạm ngừng giao dịch, tức sau ngày 26/7, nếu các doanh nghiệp này không thực hiện công bố thông tin thì Sở sẽ xem xét áp dụng hình thức hạn chế giao dịch.