Cụ thể, khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số Hang Seng ở Hong Kong ghi thêm 0,6% lên lần lượt 22.362,55 điểm và 27.927,58 điểm. Tại thị trường chứng khoán Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi tăng 3,27 điểm, hay 0,1% và đóng phiên ở mức 2.273,33 điểm.
Dù không kỳ vọng Bắc Kinh và Washington sẽ đạt được một thỏa thuận lớn trong các cuộc đàm phán lần này, nhưng giới đầu tư hi vọng rằng hai bên có thể tìm ra cách để thoát khỏi tình hình căng thẳng kéo dài nhiều tháng qua. Hai nước Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra các mức thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa của nhau và khiến các thị trường chứng khoán chao đảo.
Những bình luận gần đây của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cũng góp phần khiến các thị trường phấn khích, khi phát đi tín hiệu về khả năng sẽ trì hoãn đưa ra quyết định cuối cùng về việc có đánh thuế ô tô nhập khẩu hay không.
Trong khi đó, trái ngược lại với xu hướng đi lên của các thị trường khu vực, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải lại để mất 19,22 điểm, hay 0,7% xuống còn 2.714,61 điểm.
Tình hình bất ổn về chính trị ở Canberra cũng làm tăng thêm áp lực bán ra tại thị trường Sydney, khiến chỉ số S&P/ASX 200 giảm 18,4 điểm (0,3%) và khép phiến ở mức 6.266 điểm.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tiếp tục giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác sau bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong đó đồng bảng Anh là một trong số những đồng tiền tăng mạnh nhất so với “đồng bạc xanh”, khi lần đầu tiên trong gần hai tuần qua vượt lên trên mức 1,29 USD đổi 1 bảng Anh, sau khi trưởng đoàn đàm phán về Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier cho biết giới chức EU sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ trong các cuộc đàm phán Brexit hiện đang bước vào giai đoạn cuối cùng.