- Khủng hoảng dịch Covid-19 có thể khiến các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương mất 211 tỷ USD.
Theo số liệu mới nhất Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện có ít nhất 95.270 ca nhiễm bệnh và 3.280 ca tử vong vì dịch Covid-19. Dịch bệnh này đã xuất hiện ở 89 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Theo báo cáo mới đây của S&P Global Ratings, khủng hoảng dịch Covid-19 có thể khiến các nền kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương mất 211 tỷ USD. Trong đó, các nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất như Australia, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan có thể bị đẩy đến bờ vực hoặc rơi vào suy thoái. Cùng với đó, cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc từ 5,7% xuống 4,8%.
Trung Quốc đại lục xác nhận có thêm 143 ca nhiễm và 30 ca tử vong vì dịch Covid-19 trong ngày 5/3.
Hàn Quốc sáng 6/3 ghi nhận 518 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 6.284. Số ca tử vong cũng tăng 7 lên 42.
Iran ngày 5/3 ghi nhận thêm 591 ca dương tính nCoV, nâng số người nhiễm lên 3.513, trong đó 107 người đã tử vong. Để ngăn dịch lây lan, chính phủ Iran thông báo toàn bộ trường học sẽ bị đóng cửa tới ngày 20/3, đồng thời tạm thời thả hơn 54.000 tù nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Trong số trường hợp tử vong có cựu cố vấn Ngoại trưởng Iran.
Mỹ ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 tăng lên 12 tính đến hết ngày 5/3. Trường hợp tử vong mới nhất được xác nhận ở King County, Washington. Số ca nhiễm mới là 53, với các bang Colorado, Tennessee, Texas và thành phố San Francisco, bang California đều ghi nhận trường hợp nhiễm đầu tiên.
Italia ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì dịch Covid-19 trong ngày 5/3, nâng tổng số người chết lên 148. Hiện đây là nơi có số ca tử vong cao nhất thế giới nếu không tính Trung Quốc đại lục. Dịch bệnh đã xuất hiện ở tất cả 22 khu vực trên khắp Italia, buộc chính phủ phải đưa ra các biện pháp chưa từng có tiền lệ và triển khai gói cứu trợ 8,4 tỷ USD.
Cũng trong ngày 5/3, Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên. Bosnia-Herzegovina, Slovenia và Nam Phi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
Thanh Long (Theo CNBC)