Ông Hoàng Nam Thắng – chủ DN xuất nhập khẩu rèm cửa N.T.H ở TP.HCM vừa thông qua Hiệp hội DN TP.HCM kết nối với ngân hàng vay 4,5 tỷ đồng bổ sung vốn ngắn hạn với lãi suất cố định 7%/năm. Ông cho biết, do tiềm lực tài chính còn hạn chế và không có nhiều tài sản đảm bảo, nên trước đây việc tiếp cận vốn ngân hàng của DN là rất khó khăn. Thế nhưng nhờ có hiệp hội làm cầu nối và sự linh hoạt của các ngân hàng, việc tiếp cận tín dụng của DN đã thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Giống như ông Thắng, ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc một DN xuất khẩu nông sản ở TP.HCM cũng vừa được vay vốn kinh doanh với lãi suất 6,99%/năm của Maritime Bank mà chỉ mất 5 ngày duyệt hồ sơ. Trong khi đó một công ty đồ gỗ nội thất Nhà Việt (Q. 9, TP.HCM) lại vay được 4 tỷ đồng của Sacombank dùng vào việc thanh toán nguyên vật liệu, với lãi suất 8,5% cho thời hạn 6 tháng.
Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều DN được ngân hàng tiếp vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất kinh doanh. Rõ ràng, mặt bằng lãi suất cho vay thấp, một mặt đã kích thích nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh của các DN trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh; mặt khác lãi suất giảm cũng góp phần gia tăng lợi nhuận của DN khi chi phí vốn thấp hơn.
Theo NHNN Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm 0,5% so với mặt bằng lãi suất thị trường năm 2017. Còn nhớ sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, hưởng ứng lời hiệu triệu của Thống đốc NHNN, các ngân hàng đã đồng loạt giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ) xuống còn 6,0%/năm. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, các NHTM thời gian qua đã phải nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, cũng như cân đối khả năng tài chính nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Tâm – Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) cho biết, gần đây các DN thường đẩy mạnh vay vốn trong các gói tín dụng ưu đãi thay vì các chương trình cho vay thông thường. Chẳng hạn, thời điểm quý II/2018, lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8% – 9%/năm đối với kỳ ngắn hạn, 9,3% – 11%/năm đối với trung dài hạn. Nhưng bước sang quý III, các ngân hàng thường đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ vào khoảng 6% – 7%/năm, trung dài hạn từ 8,5%/năm. Thậm chí đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Tâm – Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, mặc dù dư địa giảm thêm lãi suất cho vay của ngân hàng rất hạn chế, nhưng trong khả năng tài chính của mình, các ngân hàng cũng cố gắng thiết kế ra gói vay lãi suất thấp để hỗ trợ DN tăng tốc về đích trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi với lãi suất 6-7%/năm, các DN phải rất linh hoạt trong hồ sơ vay, nếu không có tài sản đảm bảo tốt thì người đi vay cũng phải chứng minh được khả năng sản phẩm tiêu thụ của đơn vị mình, chứ không phải tay trắng đến ngân hàng vay vốn. Điển hình, VPBank thiết kế sản phẩm cho vay rất cạnh tranh, người vay vốn chỉ cần có hợp đồng kinh tế với các đối tác uy tín và hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) thể hiện doanh số bán hàng là thay thế được tài sản thế chấp truyền thống như bất động sản. Có những trường hợp còn được cấp hạn mức tín dụng đến 90% giá trị hóa đơn VAT, thời hạn vay vốn 6 tháng, nguồn vốn vay nhanh chóng.
Theo các chuyên gia kinh tế, với mức lãi suất 6-7%/năm vay vốn ngắn hạn trong điều kiện thị trường hiện nay DN có thể kinh doanh có lợi nhuận từ vốn vay ngân hàng.