Giữa năm 2017, cá tra bất ngờ tăng giá chóng mặt từ 24.000-25.000 lên gần 30.000 đồng/kg và xác mức kỷ lục hơn 31.000đồng/kg nhưng muốn mua cũng không phải dễ, với mức giá này người nuôi “bỏ túi” vài tỷ đồng/ha. Giá cá tra giống cũng lập mức cao nhất trong lịch sử khi mà 3 tháng đầu năm 2018 lên đến 64.000 – 75.000 đ/kg đối với cỡ 30 con/kg và 70.000 – 81.000 đ/kg đối với cỡ 50 con/kg, gấp đôi so với đầu năm 2017.
Cá tra trở lại thời “vàng son”
Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản năm 2017, diện tích mặt nước thả nuôi cá tra đạt 5.230 ha, sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn tăng 5,1% so với năm 2016.
Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam (Vinapa): Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đến khoảng 138 thị trường. Trong đó, các khối thị trường dẫn đầu là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Canada, Trung Đông, Nhật Bản.
Năm 2017, thị trường xuất khẩu cá tra cũng gặp khá nhiều thách thức như: Thị trường Hoa Kỳ thực thi đầy đủ quy định của Nông trại (Farm bill) từ 1/8 tất cả các lô hàng cá tra xuất sang Mỹ sẽ phải đưa về các kho được chỉ định sẵn để kiểm tra trước khi được đưa về kho của doanh nghiệp và bán ra thị trường.
Ở thị trường Liên minh Châu Âu (EU), cá tra phải cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng bản địa (cá tuyết, cá Alaska pollock,…), cá biển khác: cá ngừ, cá hồi. Cá tra còn bị truyền thông một số nước EU bôi xấu hình ảnh, ảnh hưởng tới doanh số tiêu thụ.
Với những khó khăn trên, xuất khẩu cá tra vào hai thị trường lớn là Mỹ giảm 11% và EU giảm hơn 22% nhưng bù lại thị trường Trung Quốc – Hồng Kông tăng gần 34% và chiếm 23% tổng kim ngạch, vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất. Đồng thời các thị trường khác như Asean, Brazil, Mexico, Arab Saudi tăng mạnh đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016, đóng góp 21,45% vào giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản.
Nhiều thách thức cho cú “vượt vũ môn”
Thứ trưởng Tám cho biết: thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng phương án tăng trưởng, Bộ NN&PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản xây dựng kế hoạch tăng trưởng năm 2018 với các chỉ tiêu tăng trưởng ngành thủy sản năm 2018 dự kiến đạt 10 tỷ USD (tăng 17,9% so với năm 2017). Vì vậy, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 cần đạt khoảng 2 – 2,2 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu trên thì sản lượng nuôi cần đạt trên 1,3 triệu tấn, sản xuất trên 2,2 tỷ con cá giống.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam lo lắng: “Mục tiêu xuất khẩu trên 2 tỷ USD đối với ngành cá tra là khá cao vì lâu nay ngành này chỉ quanh quẫn ở mức 1,6-1,8 tỉ USD”.
Cùng quan điểm trên, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp)- Ong Hoàng Văn cho rằng: Nếu không đẩy mạnh diện tích thả nuôi mới ngay bây giờ thì trong 3 tháng nữa hàng loạt nhà máy sẽ không còn nguyên liệu để chế biến.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Vinapa nhận định: thách thức lớn nhất của ngành cá tra hiện nay là nguồn con giống đạt chất lượng không đủ đáp ứng. Theo phân tích của ông, hiện nay thả 3 con cá giống chỉ thu được 1 con cá thịt dẫn đến chi phí nuôi trồng tăng rất cao. Nếu giá cả đầu ra không tăng tương xứng thì rủi ro thua lỗ khó tránh khỏi. Mặt khác, để có 2 tỷ con cá giống đủ cung cấp cho hơn 5.000 ha ao nuôi thì cần đến 25-26 triệu con cá bột. Đây là một áp lực không nhỏ với số lượng đàn cá bố mẹ còn rất hạn chế như hiện nay.
Để tháo gỡ khó khăn này, ngoài sự chủ động, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, ông Quốc đề nghị, nhà nước phải quy hoạch vùng nuôi cụ thể vì lâu nay ta chỉ quy hoạch trên giấy; các Viện nghiên cứu phải bảo tồn gene cá tra và cung cấp cá tra bố mẹ chất lượng để các hộ nuôi ương tạo cá giống đạt chất lượng, đủ đáp ứng. Đồng thời, các ngành chức năng cũng cần đẩy mạnh kiểm tra chấn chỉnh lĩnh vực cung cấp thức ăn, thuốc thủy sản, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…