Những ngày gần đây, ngành cá tra Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui khi thuế nhập khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm 3-4% kể từ ngày 1/7/2018, cụ thể thuế nhập khẩu philê cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 10% xuống còn 7%, thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7%.
Mặt khác, việc tất cả sản phẩm thủy sản xuất khẩu (XK) của Trung Quốc sang Mỹ bị áp thuế 10%, các sản phẩm thủy sản của Mỹ xuất sang Trung Quốc bị áp thuế 25% sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp (DN) XK cá tra Việt Nam đưa hàng vào các thị trường này.
Lượng tăng nhanh, giá giảm dần
Tuy nhiên, về nội tại ngành cá tra chắc chắn còn nhiều vấn đề cần phải thay đổi và hoàn thiện trong thời gian tới. Nhìn lại chặng đường 20 năm vươn tới kim ngạch tỷ đô của cá tra Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết từ năm 1997-1998 là giai đoạn cá tra Việt Nam bắt đầu chập chững tìm đường XK. Năm 1997, cả nước mới chỉ XK 425 tấn cá tra với tổng giá trị trên 1,65 triệu USD. XK cá tra mới chiếm tỷ lệ 0,2% tổng XK thủy sản và bằng 0,6% tổng XK sản phẩm tôm. Nhưng, trong giai đoạn đầu này, giá cá tra XK lại ở mức cao nhất, được coi là thời kỳ hoàng kim với giá từ 3,9-4,1 USD/kg.
Những năm tiếp theo, khối lượng XK cá tra liên tục gia tăng, còn giá XK ngày càng suy giảm. Đơn cử, năm 2002, khối lượng XK cá tra đã tăng 6,580% so với năm 1997 nhưng giá trung bình giảm xuống còn 2,5-2,75 USD/kg.
Năm 2008, lần đầu tiên kim ngạch XK cá tra đạt con số tỷ đô nhưng mức giá trung bình giảm xuống còn 2,15-2,25 USD/kg.
Trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị XK cá tra đạt 1,198 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá XK trung bình của ngành vẫn chưa trở lại thời kỳ hoàng kim như năm 1997.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, chia sẻ thời gian qua, XK cá tra có phát triển nhưng thị trường không ổn định nên giá bình quân không cao. Thị trường nhập khẩu giá cao là Mỹ và EU, tuy nhiên cả hai thị trường này đều đưa ra nhiều rào cản với cá tra Việt.
Cụ thể ở Mỹ, chỉ có 2 DN là Vĩnh Hoàn và Biển Đông không chịu thuế chống bán phá giá nên có thể XK với giá 3-4 USD/kg, số DN còn lại do chịu áp lực về thuế nên XK vào thị trường này không nhiều.
Với thị trường EU, XK cá tra giảm vì các nước này lo ngại cá tra Việt Nam sẽ cạnh tranh với cá thịt trắng của họ nên thường xuyên đưa ra những chương trình bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam.
Trong khi đó, với các thị trường phát triển mạnh nhất là Trung Quốc, ASEAN, lượng XK nhiều nhưng giá không cao. Đây chính là nguyên nhân khiến giá cá tra XK bình quân của Việt Nam khó trở về thời kỳ hoàng kim như trước.
“Thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt đi kèm với chính sách bảo hộ mậu dịch, bôi nhọ nên dù XK cá tra có phát triển nhưng rất bấp bênh và không ổn định”, ông Quốc nhận định.
Nêu thực tế nhiều thị trường đang bôi xấu hình ảnh cá tra Việt Nam, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep, hiện có trên 10 thị trường xuất hiện thông tin mang tính bôi nhọ một chiều, thông tin không chính xác về cá tra Việt Nam. Thông tin bôi nhọ không chỉ ảnh hưởng tới một mặt hàng là cá tra và ở một thị trường mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành thủy sản Việt Nam ở nhiều nước khác.
Chọn chất hay lượng?
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm nay, mục tiêu đạt kim ngạch XK 2 tỷ USD hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đang tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá tra chủ lực của Việt Nam sẽ rất dễ xảy ra tình trạng thiếu ổn định và gặp rủi ro. Lo ngại hơn là trong tương lai không xa, Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về XK mặt hàng này, do đó nếu không sớm có giải pháp chiến lược, sản phẩm cá tra Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh đang tiến tới “tự cung” mặt hàng cá tra nên có xu hướng hạn chế nhập khẩu, thậm chí cũng giống như Trung Quốc thời gian tới sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với ngành cá tra Việt Nam.
Điều này đặt ra vấn đề Việt Nam cần phải xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng cho ngành cá tra. Hay nói cách khác là xây dựng một chiến lược mới cho ngành này.
Ông Quốc kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần có nhiều chương trình đẩy mạnh nâng cao chất lượng như khuyến khích DN đầu tư công nghệ, qua đó nâng cao giá trị gia tăng cùng với việc xúc tiến thương mại mở rộng các thị trường XK mới cho ngành cá tra.
Thực tế hiện nay, đa phần DN XK cá tra của Việt Nam vẫn lấy thương hiệu dưới tên thương phẩm của DN, thậm chí chỉ đóng thùng XK cho nhà phân phối nước ngoài và không biết cá tra Việt sẽ mang tên ai, phân phối ở hệ thống siêu thị nào.
“Nhắc tới hãng xe Toyota, khách hàng nhớ ngay tới nước Nhật, nhưng nói tới cá tra thì ít ai biết tới Việt Nam, trong khi cá tra Việt Nam đang XK tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ai cũng biết thực trạng này, cuộc họp nào của ngành cá tra cũng đề cập tới vấn đề xây dựng thương hiệu nhưng tình hình đến nay vẫn chưa được cải thiện”, ông Quốc nhấn mạnh.
Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng thay vì tăng sản lượng, Việt Nam nên chinh phục người tiêu dùng EU, Mỹ bằng các sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao để nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, việc duy trì và đẩy mạnh XK vào EU và Mỹ cũng là động lực để ngành nuôi và chế biến cá tra Việt Nam đổi mới phương thức sản xuất, trình độ khoa học công nghệ trong chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế để từ đó dễ dàng tiếp cận thị trường khác.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ thực trạng của ngành cá tra đang sản xuất rời rạc, ba khâu sản xuất, chế biến, thị trường tách rời, không ăn nhập thành một chuỗi liên kết.
Đồng thời ông Cường cho rằng, việc tạo ra con giống tốt sẽ góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của ngành cá tra Việt Nam. Do vậy, ngành này cần chủ động trong dài hạn về con giống, đầu tư căn cơ, có hệ thống và dành khoản ngân sách nghiên cứu giống và hỗ trợ các công ty về con giống để có được đàn giống tốt. Bên cạnh đó có những biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa việc bùng nổ sản lượng, tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng.