Theo Bộ Công Thương, lượng cà phê XK tháng 3/2018 đạt 180.000 tấn, trị giá 347 triệu USD, tăng 38,6% về lượng và tăng 38,1% về trị giá so với tháng trước, tăng 7,9% về lượng nhưng giảm 8,7% về trị giá so với tháng 3/2017.
Tính chung quý I/2018, XK cà phê ước đạt 510.000 tấn, trị giá 989 triệu USD, tăng 12,7% về lượng nhưng giảm 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Bộ Công Thương thừa nhận, hiện nay, Việt Nam vẫn XK chủ yếu là cà phê thô, lượng cà phê chế biến XK chiếm tỷ trọng rất thấp.
Giá trị thấp
Theo từ số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2018, XK cà phê Robusta chiếm 88,7% tổng lượng cà phê XK, đạt 292.500 tấn, trị giá 524,1 triệu USD, tăng 15,9% về lượng và giảm 1,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017 do giá XK giảm. XK cà phê Arabica đạt 17.400 tấn, trị giá 42,6 triệu USD, tăng 7,6% về lượng và giảm 11,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, XK cà phê hòa tan đạt 5.400 tấn, trị giá 30,9 triệu USD, giảm 19,3% về lượng và tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, lượng cà phê hòa tan XK chỉ chiếm 4,2% tổng lượng cà phê XK nhưng lại chiếm 12% về trị giá. Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại khi XK cà phê hòa tan cao hơn so với cà phê thô.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đánh giá Việt Nam chủ yếu sản xuất, XK cà phê nhân, không đem lại giá trị gia tăng cao. Thế giới biết Việt Nam XK cà phê, song thực tế không biết cà phê Việt Nam như thế nào.
Một số nhãn hàng như Trung Nguyên, Nguyên Trang… đã tự đem cà phê XK tới các thị trường quốc tế, song hầu hết thị trường cũng không mang tầm cạnh tranh đẳng cấp toàn cầu, thậm chí cà phê Việt Nam còn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguyên nhân, ông Lang chỉ ra là do cà phê Việt Nam chủ yếu tham gia chuỗi ở phần thấp nhất, điểm khởi nguồn không có nhiều giá trị. Nếu có hợp tác đầu tư thì các DN nước ngoài cũng đem máy móc vào sản xuất, XK sản phẩm. Tuy nhiên, đó không phải là sản phẩm mang thương hiệu cà phê thuần túy.
Chỉ ra nghịch lý, giá 1kg cà phê nguyên liệu chỉ bán bằng giá bằng 1 cốc cà phê, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho rằng nếu tham gia vào mạng lưới phân phối các nước, giá trị cà phê Việt Nam sẽ cao hơn. XK cà phê rang xay và hòa tan, giá trị có thể tăng gấp đôi so với XK cà phê nhân.
Tuy nhiên, theo ông Tự, việc phát triển cà phê rang xay, hòa tan khiến các DN nội địa gặp khá nhiều khó khăn về vốn. Để có một máy chế biến cà phê hòa tan hoặc rang xay với công suất 1.000 tấn, DN phải đầu tư khoảng 10 triệu USD.
Đây là điểm cần xem xét tháo gỡ, hỗ trợ DN. Chỉ có một số DN lớn triển khai được như: Tổng công ty Cà phê Việt Nam, công ty CP Vinacafe Biên Hòa, công ty CP Cà phê Mê Trang…
Tính kế “lột xác”
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc công ty CP Tập đoàn Intimex, cho biết trước thực tế Việt Nam chủ yếu XK cà phê nhân với giá trị thấp, nhiều DN đang muốn đầu tư nhà máy chế biến cà phê hòa tan. Tuy nhiên, DN hiện đang rất lo lắng trước đề xuất của Bộ Tài chính về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với sản phẩm cà phê hòa tan đóng gói.
Ông Nam cho rằng Nhà nước hiện đang khuyến khích đầu tư cho phát triển cà phê chế biến, không có lý gì Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế gây khó khăn cho DN.
Trong khi đó, xét về tiềm năng, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Vicofa, nhìn nhận ngành cà phê Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để phát triển, dư địa giá trị gia tăng của ngành cà phê còn nhiều, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu đang cao và thị trường các nước vẫn đang thiếu.
Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết sẽ giúp tăng giá trị cà phê XK lên mức 5-6 tỷ USD trong 10-15 năm tới chứ không chỉ là 3 tỷ USD như hiện nay. Cũng như XK cà phê Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc các nhà sản xuất cà phê lớn khác trên thế giới giảm nguồn cung.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vicofa cho rằng muốn khai thác tối đa tiềm năng này, các DN cần phải hướng đến phương châm tăng năng suất, chất lượng, giá trị và giá trị gia tăng.
Vì vậy, để ổn định giá thị trường nông sản, năm 2018, Bộ Công Thương cho biết sẽ xây dựng chiến lược thương hiệu cà phê trong chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm nói chung.
Ông Lang cho rằng đây là giải pháp tốt cho phát triển ngành cà phê, giúp khắc phục tình trạng chủ yếu XK cà phê nhân.
“Chính phủ cần quan tâm hơn đến đẩy mạnh XK hàng có thương hiệu, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm XK cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thương hiệu cho ngành cà phê hay bất kỳ ngành nào khác là mục tiêu chủ yếu của Việt Nam trong XK nông sản”, ông Lang nói.
Để làm được điều này, ông Lang cho biết Bộ Công Thương rất cần có sự giúp đỡ của Bộ NN&PTNT.
Mặt khác, theo các chuyên gia, phải triển khai mạnh mẽ chương trình tái canh, coi tái canh là công việc thường niên phải làm để thay thế các vườn cà phê già cỗi năng suất thấp.
Diện tích cà phê cần tái canh trong 5 năm tới lên đến 160.000ha, trong khi tiến độ tái canh tại các tỉnh Tây Nguyên đều diễn ra chậm, trừ tỉnh Lâm Đồng. Cùng với đó, diện tích trồng cà phê tại Tây Nguyên không tăng.
Do đó, Vicofa kiến nghị Chính phủ cho thành lập Quỹ phát triển ngành cà phê và cung cấp giống cà phê, giống cây che bóng miễn phí cho nông dân; đồng thời sớm ban hành quy chuẩn cà phê rang xay và hòa tan, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Đối với các ngân hàng, kiến nghị được đưa ra là cung cấp đầy đủ vốn cho tái canh và hoạt động kinh doanh của ngành cà phê.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tái canh cà phê sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh chất lượng cà phê hơn nữa, theo kịp với tốc độ tái canh của các quốc gia XK cạnh tranh với cà phê Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất và chất lượng, các khâu khác trong chuỗi sản xuất cà phê cũng cần được đầu tư.