Tháng 6-2018 đã có nhiều ngày giá trị khớp lệnh sàn Hose lùi về 100 triệu đơn vị/phiên. Hiện tại khối lượng giao dịch đã được cải thiện, từ 170-200 triệu đơn vị/ngày. Thanh khoản cải thiện đồng nghĩa với việc công ty chứng khoán có doanh thu môi giới. Điều này quan trọng hơn cả việc biến động của chỉ số.
Thực ra chứng khoán đang gặp may vì các kênh đầu tư khác đang đứng giữa ngã ba đường. Tỷ giá đã khiến cho lãi suất tiết kiệm không còn sức hút. Bất động sản bước vào giai đoạn cung cầu so vai xem ai thực sự lớn hơn. Nguy cơ lãi suất đi lên sẽ làm sức cầu bất động sản giảm xuống. Tỷ giá sau khoảng hai tháng biến động (từ giữa tháng 6-2018) đã tạo một mặt bằng mới. Ở trong ngân hàng, tỷ giá đô – đồng từ mức 22.800 đồng giờ phổ biến là 23.300 đồng/đô la Mỹ. Trên thị trường tự do, tỷ giá xoay vần quanh 23.500-23.600 đồng/đô la Mỹ. Khó có thể đảm bảo mặt bằng tỷ giá này sẽ giữ vững và ổn định đến hết năm. Tuy nhiên trước mắt biến động của tỷ giá phụ thuộc nhiều vào ngoại lực hơn nội lực. Chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ giữa các cường quốc sẽ đi về đâu là chuyện khó dự đoán.
Chưa có thời kỳ nào mà Tổng thống Mỹ lại “can thiệp” sâu vào hoạt động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) như bây giờ. Ông Donald Trump cứ vài tuần lại lên tiếng đô la Mỹ quá mạnh, chỉ khiến cho thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước trầm trọng thêm. Ông cho rằng châu Âu và Trung Quốc đã cố tình này nọ để đồng euro và nhân dân tệ giảm giá. Ông cũng tỏ ý không đồng tình việc Fed nâng lãi suất vì như thế chỉ làm cho đô la Mỹ lên giá. Nhưng Fed là Fed. Từ xưa đến nay Fed hoạt động độc lập. Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng cao hơn dự báo, đạt 4,1% quí vừa qua; tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 3,9% và lạm phát đang vượt kỳ vọng. Nên nhớ GDP của Mỹ rất lớn, tới 12.200 tỉ đô la Mỹ, nên 4,1% tăng trưởng GDP tương đương hơn 500 tỉ đô la Mỹ, gấp đôi GDP của Việt Nam.
Những ngày này chiến tranh thương mại đang dịu xuống khi cả thế giới chờ đợi cuộc thương lượng giữa Mỹ và Trung Quốc tới đây. Cho dù kết quả cuộc thương lượng thế nào, kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà phục hồi, Fed vẫn phải thắt chặt tiền tệ, vẫn phải nâng lãi suất và dòng tiền quốc tế sẽ chảy vào Mỹ, nơi các chỉ số chứng khoán từ S&P500 đến Nasdaq đều đang diễn biến tích cực.
Trong khi đó, tại thị trường tài chính Việt Nam, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào cổ phiếu và các thương vụ M&A doanh nghiệp (trừ bất động sản) đang giảm nhiệt. Các tổ chức nước ngoài mua cổ phần của Vinhomes, HDBank, VPBank, Techcombank và ba đợt IPO doanh nghiệp nhà nước gồm BSR, OIL, POW đang lỗ. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư so với cuối năm ngoái đang âm. Hậu quả là từ tháng 3-2018 đến nay khối ngoại liên tục bán ròng trên sàn. Sở dĩ vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài còn dương là nhờ thương vụ họ giải ngân vào Vinhomes.
Một số quỹ đã giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu, giữ tiền mặt trên tài khoản. Họ vẫn đang quan sát và chưa rút tiền ra. Động thái đó chứng tỏ họ vẫn còn kỳ vọng ít nhiều vào sự phục hồi của chứng khoán Việt Nam.
Chứng khoán đang có một nền tảng nhìn chung không tồi, đó là sự ổn định ở vùng giá cao của các mã vốn hóa lớn, giữ cho chỉ số không bị giảm mạnh, nhờ đó câu chuyện của từng cổ phiếu đã bắt đầu nảy nở. Những cổ phiếu cơ bản tốt thời gian qua bị thị trường cuốn theo cơn lốc điều chỉnh, rơi xuống vùng giá hấp dẫn, bắt đầu được nhà đầu tư để ý và gom góp mua dần. Đó là một quá trình dài, nhưng ít nhất nó cho thấy chứng khoán vẫn không bị lãng quên hoàn toàn.
Chứng khoán về cơ bản còn một thời gian tạm gọi là “thịnh vượng” từ nay đến cuối năm, thậm chí đến Tết Âm lịch, khi mà kinh tế vĩ mô sẽ được nỗ lực giữ ổn định để đạt các chỉ tiêu đề ra. Sau đó sẽ là một bối cảnh khác, nhiều thử thách. Những nhà đầu tư sành sỏi nhất đã cảm nhận và nắm bắt dù chưa thật rõ nét sức mua hàng hóa thiết yếu đang chậm lại hoặc thay đổi theo thói quen tiêu dùng của lớp người trẻ tuổi. Tìm ra những công ty có triển vọng trong tương lai như công nghệ, thương mại điện tử, cung ứng dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, du lịch… không phải dễ và cũng không có nhiều lựa chọn trên sàn cho giới đầu tư.