Tháng 5 vừa qua, Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC) đã trở thành DN sản xuất đường đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ với 29 tấn đường đầu tiên. Đây là bước tiến quan trọng của ngành mía đường Việt Nam nói chung.
Báo cáo rà soát phát triển mía đường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tồn kho ở các nhà máy (không tính các DN thương mại trung gian) trong 10 năm lại đây có tốc độ tăng trưởng rất cao, bình quân 25,5%/năm (2005-2014). Niên vụ 2015-2016, tồn kho chuyển vụ là 204.275 tấn, gấp khoảng 8-9 lần so với năm 2005. Không dừng lại, tính đến tháng 5/2018, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) thống kê lượng đường tồn kho tại các nhà máy đạt 668.424 tấn. Vì vậy, việc tìm thị trường xuất khẩu là hướng đi tất yếu và là một giải pháp quan trọng để phát triển ngành mía đường.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, Mỹ là một trong những nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới với tổng mức tiêu thụ lên đến 12 triệu tấn/năm. Quốc gia này nhập khẩu đường từ hơn 40 nước trên thế giới, trong đó Mexico cung cấp khoảng 1/3. Tuy nhiên, để thâm nhập thị trường khó tính này không hề đơn giản.
Theo chia sẻ của đại diện TTC: “Nắm được nhu cầu thị trường Mỹ muốn tiếp cận nguồn cung cấp khác thay vì phụ thuộc vào nguồn cung từ Mexico như hiện tại, TTC đã mạnh dạn sản xuất hàng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường này. Ngoài việc đạt được giấy chứng nhận FDA (của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, đây là điều kiện bắt buộc để được vào thị trường Mỹ), các sản phẩm còn được sản xuất theo công nghệ châu Âu, tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 22000 về an toàn thực phẩm. Đây là một ưu thế của TTC bên cạnh lợi thế về giá”.
Theo VSSA, hiện nay chất lượng đường sản xuất trong nước đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính trên thế giới như châu Âu hay Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là giá cả để cạnh tranh, vì hiện tại giá thành sản xuất đường của Việt Nam còn khá cao so với các nước xuất khẩu. Trên thực tế, giá thành đường của Thái Lan thấp hơn Việt Nam do nước này có chính sách hỗ trợ, như hỗ trợ mua điện từ bã mía, miễn giảm thuế đầu tư công nghệ chế biến mía đường… Việc giảm giá thành là một vấn đề lớn và đòi hỏi nhiều chính sách từ nhà nước.
Hiện tại, muốn phát triển đồng bộ, các DN cần thực hiện liên kết, chia sẻ lợi ích giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa sản xuất với lưu thông phân phối, nhằm giảm chi phí trung gian, người tiêu dùng được hưởng lợi với giá tiêu dùng hợp lý. Đồng thời, cần có các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện liên kết hợp tác giữa DN sản xuất với DN sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, DN bán lẻ…
Ông Phạm Hồng Dương, Phó chủ tịch VSSA khẳng định, để xuất khẩu thành công, các DN Việt Nam cũng cần đầu tư nâng cấp công nghệ, cần chuẩn bị những điều kiện cần có để cạnh tranh với hàng của các nước xuất khẩu khác và để chinh phục những thị trường khó tính.