Các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch
Sau thành công trong đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) vào ngày 17-1-2018 vừa qua, với gần 241,428 triệu cổ phần đã bán hết và giá bình quân đạt 22.428 đồng/cổ phiếu, BSR tiếp tục đạt có thêm thành công mới trong kinh doanh quí 1-2018.
Báo cáo của BSR công bố cho thấy tất cả các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng của công ty trong quí đầu năm nay, như doanh thu, sản lượng sản xuất và tiêu thụ, lợi nhuận, nộp ngân sách đều vượt kế hoạch. Đây là bước khởi đầu thuận lợi trên con đường hiện thực hóa các cam kết về hiệu quả kinh doanh mà BSR đã cam kết với nhà đầu tư trong đợt IPO vừa qua.
Việc sản lượng sản xuất và tiêu thụ của BSR tiếp tục tăng cho thấy vị thế của công ty cũng như thị phần ở thị trường xăng dầu Việt Nam khá vững chắc. Bên cạnh đó, một trong những chỉ tiêu được nhà đầu tư quan tâm là lợi nhuận cũng vượt khá xa so với dự báo, với gần 1.300 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế và đạt 37% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Cũng tại hội thảo này, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên chia sẻ thêm về kết quả kinh doanh năm 2017. Cụ thể, doanh thu đạt 82.021 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 9.872 tỉ đồng.
Ông Trần Ngọc Nguyên cho biết, để hiện thực hóa cam kết với nhà đầu tư, đưa BSR tiếp tục phát triển trở thành trụ cột quan trọng trong ngành năng lượng của quốc gia, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản trị doanh nghiệp là yếu tố đầu tiên công ty đang triển khai thực hiện. Hội thảo công tác quản lý trong công ty cổ phần do BSR tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua là một trong những cơ hội để công ty học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia và doanh nghiệp khác.
Quản trị công ty có hiệu quả – yếu tố đồng hành với thành công
Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích các nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và cho biết để quản trị công ty hiệu quả cần phải thực hiện đồng bộ 5 quy tắc, bao gồm đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty có hiệu quả; Quyền của cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; Đối xử bình đẳng đối với cổ đông; Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty và công bố thông tin và tính minh bạch. Tiến sĩ Sang khuyến nghị các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa cần xem xét các quy tắc trên của OECD một cách phù hợp.
“Tạo điều kiện hơn nữa cho cổ đông thiểu số, đặc biệt là cổ đông nước ngoài trong việc thực hiện quyền cho cổ đông rất đáng lưu ý trong doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa,” ông Sang nói và chia sẻ thêm nhất thiết phải có các phương án phòng tránh và xử lý các xung đột lợi ích, thúc đẩy các hoạt động về môi trường, xã hội và người lao động và tăng chế tài/xử phạt các vi phạm.
Trong khi đó, ông Phạm Ivan Hùng Anh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, chia sẻ quan điểm cổ phần hóa theo khía cạnh kiểm toán. Ông cho biết khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp nhà nước cần quan tâm 4 vấn đề, bao gồm: Quy định pháp luật hiện hành về quản trị công ty; Quản trị công ty đối với công ty cổ phần; Sự khác biệt giữa công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị công ty.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau Bùi Minh Tiến cho biết ngay khi IPO, Đạm Cà Mau khởi động dự án ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp), sau đó là COSO, dự án văn hóa giai đoạn mới, KPI, chuỗi 4.0 vào quản lý và cung ứng. “Ngoài ra, Đạm Cà Mau cũng áp dụng quản trị trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty nhiều năm qua. Đạm Cà Mau cũng có những cố gắng trong việc tích hợp các công cụ quản trị như ISO – ERP – COSO. Đạm Cà Mau đã thành công trong việc tích hợp gần 200 quy trình nội bộ thành 18 bộ quy trình,” ông Tiến cho biết.
Tiến sĩ Lê Xuân Sang nhấn mạnh quản trị công ty tốt là cơ sở để phát triển doanh nghiệp một cách bền vững. Ông phân tích báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và cho biết: “Báo cáo chỉ ra rằng doanh nghiệp có quản trị công ty tốt hơn sẽ có kết quả kinh doanh và giá trị thị trường cao hơn. Điểm quản trị công ty có mối quan hệ cùng chiều với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và giá trị thị trường của doanh nghiệp”.
BSR đã IPO thành công vào ngày 17/01/2018 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Kết thúc IPO, BSR đã bán hết 241.427.969 cổ phần với mức giá thanh toán bình quân là 22.428 đồng/cổ phần. Tiền thu được là 5.417 tỉ đồng, cao hơn 60% so với số tiền bán dự kiến theo giá khởi điểm.
Ngày 01-3-2018, cổ phiếu BSR được niêm yết trên sàn UPCoM (Hà Nội) và cũng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Ông Sang cho rằng, đây là một trong những dấu hiệu cho thấy công tác quản trị của BSR đang đi đúng hướng và đạt được lòng tin của nhà đầu tư.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc PVN, làm tốt công tác quản trị ở BSR và các đơn vị trong PVN trước hết phải nắm rất chắc về quản trị, tự nâng cao kiến thức về quản trị; nắm thật chắc về công ty cổ phần. “Xét cho cùng, quản trị công ty là quản trị con người trong quá trình sản xuất kinh doanh, quản trị mục tiêu hướng tới cái chung.”