Số tiền thu được sẽ được dùng để mở rộng nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tăng công suất từ 148.000 thùng/ngày lên 192.000 thùng/ngày, đồng thời cho phép nhà máy xử lý được nhiều loại dầu thô hơn.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009, ban đầu được thiết kế để tinh luyện dầu thô ngọt nhẹ, chủ yếu có nguồn gốc từ mỏ Bạch Hổ ngoài khơi Việt Nam. Việc nâng cấp nhà máy lần này sẽ giúp xử lý dầu thô chua, đồng thời cho phép sản xuất được nhiều sản phẩm hóa dầu hơn.
Trong một thông báo mới đây, BSR cho biết sẽ lựa chọn một nhà thầu kỹ thuật, mua sắm xây dựng để nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất vào năm tới. Hiện đã có 7 công ty đăng ký đấu thầu, nhưng BSR chưa tiết lộ cụ thể.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc điều hành BSR cho biết, việc chào bán cổ phần của công ty sẽ được thực hiện thông qua phát hành riêng lẻ hoặc đấu giá.
Việc bán thêm cổ phần BSR là một phần trong kế hoạch của Chính phủ nhằm tư nhân hóa hàng trăm doanh nghiệp nhà nước, gia tăng hiệu quả hoạt động, giãn ngân sách nhà nước, đồng thời tái cấu trúc nền kinh tế vốn đang phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm nay, BSR đạt lợi nhuận sau thuế 2.950 tỷ đồng (tương đương 129 triệu USD), đạt 85% kế hoạch cả năm 2018.
Theo phương án cổ phần hóa, BSR có vốn điều lệ dự kiến hơn 31.000 tỷ đồng, tương ứng với 3,1 tỷ cổ phần. Bên cạnh lượng đấu giá công khai tương đương gần 7,8% vốn điều lệ dự kiến, doanh nghiệp sẽ bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và bán ưu đãi 6,5 triệu cổ phần cho nhân viên. Nhà nước nắm 43% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.
Khi mới lên sàn UPCoM tháng 3/2018 với giá tham chiếu 22.400 đồng/CP, BSR đã nhanh chóng được các nhà đầu tư đẩy lên mức giá kịch khung, tương ứng với mức tăng 40% so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên, đạt mức giá 31.300 đồng.
Giới chuyên gia cho rằng, với tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn rất khả quan, việc nâng cấp lên sàn HOSE sẽ giúp BSR thu hút được nhiều dòng vốn của các nhà đầu tư hơn nữa.