Cho đến lúc này, Vinamco thuộc Tập đoàn BRG đã được xác định là cổ đông chiến lược duy nhất, được quyền mua 65% cổ phần. Với sự tham gia của các ông chủ mới, doanh nghiệp tiếp tục đề ra mục tiêu là thương hiệu hàng đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại.
Theo kế hoạch cổ phần hóa, Hapro sẽ trở thành doanh nghiệp 100% tư nhân và nhà nước không còn nắm giữ cổ phần. Cụ thể, Hapro sẽ bán 75,92 triệu cổ phần (34,5% vốn điều lệ) vào ngày 30/3 tới đây với mức giá khởi điểm là 12.800 đồng/cổ phần.
Cùng với đó, Công ty cũng bán cho CBCNV hơn 1 triệu cổ phần và còn lại 143 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ) cho cổ đông chiến lược.
Được biết, vào cuối tháng 1 vừa qua, UBNDT TP. Hà Nội đã phê duyệt lựa chọn và bán cổ phần cho 1 nhà đầu tư chiến lược duy nhất là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco), một công ty con của Tập đoàn BRG.
Với đặc điểm sở hữu quỹ đất lớn và kinh doanh trong mảng xuất nhập khẩu và thương mại, Hapro có thể xem là mảnh ghép khá phù hợp với BRG.
Vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng, Hapro hiện đang nắm 10 công ty con, 20 công ty liên kết hoạt động trong các mảng bán buôn, bán lẻ, sản xuất với các mặt hàng như thực phẩm, rượu, gốm sứ… Các thương hiệu như Thủy Tạ, chợ Bưởi, gốm Chu Đậu, vang Thăng Long của Hapro đã được biết đến từ lâu.
Ngoài ra, quỹ đất của Hapro cũng phong phú với 96 khu đất và mặt bằng được thuê tại Hà Nội trong đó 32 cơ sở là đi thuê. Cùng với đó là nhiều khu đất tại các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp, Gia Lai, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh…
Trong khi đó, BRG là một tập đoàn phát triển đa lĩnh vực bao gồm bất động sản, thương mại dịch vụ được biết đến qua các thương hiệu đang nắm giữ như Hilton Hà Nội, Honda Tây Hồ, Honda Hải Phòng và Intimex – chuỗi siêu thị, có ngành nghề hoạt động tương đồng với Hapro.
Tập trung cho hoạt động cốt lõi?
Để mua lại 65% cổ phần của Hapro, số tiền mà BRG phải bỏ ra sẽ không dưới 1.800 tỷ đồng. Đổi lại, Tập đoàn này sẽ sở hữu một loạt các thương hiệu ở trên cùng vô số các khu đất giá trị.
Tuy nhiên, Tập đoàn cũng phải đáp ứng một loạt các điều kiện được đưa ra như năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, đặc biệt là ưu tiên đối với lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội đia, có hệ thống thương mại bán lẻ.
Ngoài ra, theo cam kết, BRG cũng lãnh trách nhiệm xử lý các vấn đề còn dang dở tại doanh nghiệp mà cụ thể ở đây là định hướng kinh doanh dài hạn cùng một số tranh chấp pháp lý về đất đai.
Trong đó, có lẽ quan trọng nhất vẫn là định hướng kinh doanh của doanh nghiệp hậu cổ phần hóa. Theo ông Vũ Thanh Sơn, Công ty vẫn theo sát phương án cổ phần hóa là tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa.
Đến năm 2020, Công ty phấn đấu tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của Tổng công ty.
Hapro và hệ thống kinh doanh vẫn sẽ là thương hiệu có tiếng được biết đến với một loạt các mặt hàng như hoa quả tươi, hạt tiêu, nông sản, thủ công mỹ nghệ….
Được biết, năm 2017, Hapro đạt tổng doanh thu là 3.559 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 60 tỷ đồng. Năm 2018, Hapro lên kế hoạch doanh thu tăng trưởng 6,06%, lợi nhuận tăng 13,3%.