Phố Wall tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng từ đà giảm của các cổ phiếu nhạy cảm với cuộc chiến thương mại như Caterpillar Inc và Boeing Co khi gói đánh thuế 25% với hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ 23/8 và gói trả đũa của Trung Quốc cũng tự động có hiệu lực.
Nỗi lo chiến tranh thương mại cũng khiến giá kim loại và dầu thô đảo chiều, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng và nguyên vật liệu giảm theo, cũng tác động tiêu cực lên phố Wall.
Ngoài ra, những thông tin pháp lý liên quan đến Tổng thống Donald Trump cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, thất nghiệp giảm tuần thứ 3 liên tiếp cho thấy sự vững chắc của thị trường lao động bất chấp cuộc chiến thương mại.
Kết thúc phiên 23/8, chỉ số Dow Jones giảm 76,62 điểm (-0,30%), xuống 25.656,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,84 điểm (-0,17%), xuống 2.856,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 10,64 điểm (-0,13%), lên 7.878,46 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, bất chấp dữ liệu kinh tế tích cực khi dấu hiệu tăng trưởng kinh tế của khu vực nhanh hơn, nhưng lo ngại về cuộc chiến thương mại leo thang khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu thận trọng, kéo các chỉ số chính trên thị trường này giảm nhẹ trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 23/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,02 điểm (-0,15%), xuống 7.563,22 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 20,12 điểm (-0,16%), xuống 12.365,58 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 1,28 điểm (-0,02%), xuống 5.419,33 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên giảm giúp chứng khoán Nhật Bản tăng trong phiên thứ Năm, nhưng đà tăng không lớn khi giới đầu tư thận trọng trước cuộc đàm phán thương mại Trung – Mỹ, nhất là sau khi gói đánh thuế và trả đũa trị giá 16 tỷ USD hàng hóa của nhau chính thức có hiệu lực, nâng tổng số hàng hóa bị đánh thuế 25% lên 50 tỷ USD. Chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm bất chấp căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều giảm điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp khi tiếp cận ngưỡng 28.000 điểm.
Kết thúc phiên 23/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 48,27 điểm (+0,22%), lên 22.410,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 137,12 điểm (-0,49%), xuống 27.790,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,02 điểm (+0,37%), lên 2.724,62 điểm.
Cuộc chiến thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến giá các loại kim loại đồng loạt giảm, trong đó có vàng. Thông thường, khi có xung đột, vàng thường là kênh được lựa chọn là nơi trú ẩn an toàn, nhưng với cuộc chiến thương mại, vàng được giới đầu tư xem là nguyên liệu đầu vào hơn và Trung Quốc là nhà nhập khẩu vàng lớn nhất nhì thế giới. Do đó, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã đẩy giá vàng đi xuống. Trong khi đó, đà giảm 5 ngày liên tiếp của đồng USD đã chững lại khi chỉ số USDIndex tăng 0,51% trong phiên thứ Năm, cũng tác động tiêu cực lên giá vàng.
Kết thúc phiên 23/8, giá vàng giao ngay giảm 10,7 USD (-0,9%), xuống 1.184,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 9,3 USD/ounce (-0,77%), xuống 1.194,0 USD/ounce.
Tương tự, giá dầu thô cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại leo thang sau khi gói áp thuế thứ 2 giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Kết thúc phiên 23/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,03 USD (-0,04%), xuống 67,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,05 USD (-0,07%), xuống 74,73 USD/thùng.