Theo tài liệu được công bố, công ty sẽ tập trung cho mảng sản xuất các sản phẩm phục vụ cho chăm sóc cá nhân ở 2 khu vực: Tiêu dùng thiết yếu và y tế; Phân chia thị trường nắm giữ để củng cố và phát triển bao gồm GT, ETC, OTC, MT, Sale Online, Export.
Trong năm 2018, Bông Bạch Tuyết dự kiến tiêu thụ 652 tấn bông với doanh thu đạt 113 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước đó. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 16 tỷ đồng, tăng 15% (không tính dự án Nguyễn Văn Săng). Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch chỉ đạt 12,8 tỷ đồng, giảm 10% do hết được chuyển lỗ nên phải đóng đúng thuế theo quy định.
Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết là doanh nghiệp có tiếng trong ngành sản xuất bông băng vệ sinh, y tế thập niên về trước. Cùng với xe đạp Thống Nhất hay kem Thủy Tạ, bông Bạch Tuyết được coi là một trong những thương hiệu “vang bóng một thời” trong lòng người tiêu dùng Việt.
Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết thành lập năm 1960, là nhà máy của tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.
Sau đó, nhà máy đổi tên thành xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết vào năm 1979. Năm 1992 tiếp tục đổi tên thành công ty Bông Bạch Tuyết. Đây cũng là thời điểm đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ khi công ty trở thành doanh nghiệp tiên phong nhập khẩu dây chuyền sản xuất băng vệ sinh dán. Cải tiến công nghệ, tung sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm của Bông Bạch Tuyết nhanh chóng bao phủ khắp thị trường cả nước.
5 năm sau, Bông Bạch Tuyết chuyển đổi mô hình thành Công ty cổ phần với vốn điều lệ 11,4 tỷ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 30% vốn. Mô hình hoạt động mới đưa sản phẩm bông y tế của Bông Bạch Tuyết chiếm 90% thị phần cả nước còn sản phẩm băng vệ sinh chiếm 30%. Năm 2002, Bông Bạch Tuyết tăng vốn lên 68,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự tích luỹ.
Con đường thênh thang đưa Bông Bạch Tuyết trở thành công ty thứ 23 niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam vào tháng 3/2004 (niêm yết trên HOSE với mã BBT).
Nhưng cũng kể từ đây, công ty xảy ra tình trạng nguy ngập, ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2007 đến tháng 8/2009 nên buộc phải hủy niêm yết từ ngày 7/8/2009 do không đáp ứng được điều kiện kinh doanh có lãi theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tuy nhiên, ngày 12/6 vừa qua, BBT đã trở lại giao dịch trên UpCom với mức giá tham chiếu 2.300 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến nay, trải qua 7 phiên, cổ phiếu BBT đều tăng trần và hiện giao dịch ở giá 7.100 đồng/cổ phiếu.
Với thị giá này, giá trị vốn hóa của Bông Bạch Tuyết đạt 48 tỷ đồng. Mặc dù là con số rất thấp so với các cổ phiếu khác nhưng đây là tín hiệu cho thấy thị trường đang lạc quan với công ty sau gần 9 năm vắng bóng trên sàn.
Tính đến hết năm 2017, Bông Bạch Tuyết còn lỗ lũy kế 61,9 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/tài sản còn ở mức 84,06%, ban kiểm soát công ty đánh giá tỷ lệ này vẫn còn rất cao và bất bình thường nhưng đã được cải thiện tích cực qua các năm trở lại đây.
Tính đến tháng 10/2017, số dư công nợ tồn động phải trả của Bông Bạch Tuyết là 40 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là 500 triệu đồng, còn lại là nợ lãi trong bản án của CTCP Bibica, Maritime Bank, Công ty Xăng dầu Phong Quân và lãi chậm trả tiền nộp Ngân sách Nhà nước).
Hiện tại, tình hình các chủ nợ thông qua cơ quan thi hành án ngày càng gia tăng áp lực, đặc biệt Maritime Bank đã đề nghị và cơ quan thi hành án đã ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản. Cơ quan thi hành án hiện đã kê biên tài sản và có thông báo đưa ra bán đấu giá.
Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua, Cục thi hành án dân sự TP.HCM đã thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là toàn bộ quyền sử dụng đất (đất thuê 50 năm thanh toán tiền 1 lần) và toàn bộ quyền sở hữu công trình, nhà xưởng trên đất tại lô B52-53-54/I đường 2E, KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh TP.HCM thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Bông Bạch Tuyết với giá khởi điểm tài sản đấu giá là 86,21 tỷ đồng,.
Tuy nhiên, Bông Bạch Tuyết cho biết đang tích cực sắp xếp làm việc với Maritime Bank để có phương án hài hòa nhất, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu của thủ tục kê biên, phát mãi để không đe dọa đến tình hình sản xuất kinh doanh, sẵn sàng đối mặt và xử lý để ổn định tâm lý người lao động, gửi văn bản đến cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ.