Khi tư vấn cho một doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán bao giờ cũng thường nhắm đến hợp đồng trọn gói bao gồm từ hoàn tất các thủ tục đến hỗ trợ cổ đông mở tài khoản giao dịch, lưu ký cổ phiếu và cả hỗ trợ tài chính sau này như ký quỹ, bảo lãnh phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn…
Nay quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán được ban hành và có hiệu lực từ ngày cuối cùng của tháng 8-2011, một phần của hợp đồng trọn gói đó không thể thực hiện.
Theo khoản a, mục 1, điều 12 của quy chế trên, công ty chứng khoán không được cho khách hàng vay tiền giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu do chính công ty bảo lãnh phát hành trong vòng sáu tháng.
Quy định này là để ngăn chặn khả năng công ty chứng khoán lợi dụng ký quỹ nhằm làm giá cổ phiếu do chính họ bảo lãnh phát hành. Trước khi quy chế được ban hành, giao dịch ký quỹ đã tồn tại rồi và việc công ty chứng khoán hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư mua bán cổ phiếu do họ bảo lãnh phát hành cũng đã từng xảy ra. Chỉ có điều nó diễn ra không công khai và không được gọi bằng tên chính danh: ký quỹ.
So với hoạt động hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư từ trước đến nay, giao dịch ký quỹ theo đúng quy định pháp luật chặt chẽ hơn nhiều. Xét về mặt thuận tiện cho nhà đầu tư và thúc đẩy thanh khoản cho thị trường, nó kém hấp dẫn hơn so với hỗ trợ tài chính, nhưng nó lại đảm bảo được sự kiểm soát thị trường và quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Với hoạt động hỗ trợ tài chính, công ty chứng khoán có thể cho nhà đầu tư ký quỹ đối với bất cứ cổ phiếu nào, không hạn chế mức độ sở hữu cổ phiếu đó, không cần biết cổ phiếu đó lời lỗ ra sao. Quan trọng nhất là công ty chứng khoán thu hồi được vốn và lãi cho vay. Còn thua lỗ hay kinh doanh có lời thuộc về nhà đầu tư.
Liệu những quy định như cổ phiếu nào được ký quỹ; công ty chứng khoán đáp ứng tất cả các điều kiện của quy chế quy định mới được cho vay ký quỹ; hạn mức ký quỹ ban đầu, ký quỹ duy trì tương ứng 60% và 40%; thời hạn vay ký quỹ tối đa ba tháng; khách hàng phải mở tài khoản ký quỹ riêng để phân biệt với tài khoản thông thường; tài sản ban đầu trong tài khoản ký quỹ bằng tiền mặt tối thiểu 10 triệu đồng, xử lý tài khoản ký quỹ hay bổ sung tài sản… có làm cho hoạt động ký quỹ đi vào nề nếp và tránh rủi ro cho các đối tượng tham gia thị trường?
Thật khó trả lời. Bởi có nhiều cổ phiếu tốt không thể có tên trong danh sách được ký quỹ vì không đáp ứng được yêu cầu thanh khoản. Trong khi cái mà thị trường cần nhất hiện nay chính là thanh khoản.
Nhiều tổ chức tài chính nước ngoài chỉ bày tỏ mức độ quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam bằng hành động đứng ngoài quan sát do thanh khoản hàng ngày của cả hai sàn cộng lại vẫn thuộc loại thấp nhất trong số các thị trường cận biên và còn khoảng cách quá xa so với các thị trường mới nổi.
Người nước ngoài nhìn thấy giá cổ phiếu Việt Nam đang rẻ nhất nhì khu vực, song họ vẫn ngần ngại giải ngân chỉ vì băn khoăn mua cổ phiếu thì dễ, nhưng bán thì khó, đặc biệt với quy mô đầu tư của các tổ chức.
Để bán từ vài trăm ngàn đến vài triệu cổ phiếu mỗi loại, các tổ chức thường phải bán ròng rã hàng tháng trời. Tốc độ giải ngân và thu hồi vốn như vậy chỉ phù hợp với những tổ chức đầu tư dài hạn 10-20 năm, trong khi hiện tại dòng tiền ngoại không dừng chân lâu ở đâu do độ rủi ro của kinh tế thế giới.
Dễ hiểu vì sao thị trường đã không phản ứng hồ hởi với quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ. Vào đầu tháng sáu năm nay, khi Thông tư 74 về giao dịch chứng khoán được ban hành, cả thị trường đã từng rất phấn khích. Lúc đó VN-Index có đợt phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nhanh chóng như khi “bùng phát”, sự phấn khích mang tên ký quỹ đã chìm dần khi thông tin về các cuộc họp, thảo luận của cơ quan quản lý với các công ty chứng khoán cho thấy giao dịch ký quỹ không thật sự mở và thông thoáng như giới đầu tư mong đợi.
Nhìn lại, để có được quy chế giao dịch ký quỹ hôm nay, thị trường đã mất bốn năm chờ đợi – một khoảng thời gian quá dài cho sự đáp ứng kỳ vọng ở mức không tương xứng. Hơn nữa, kỳ vọng chính của thị trường không phải là ký quỹ mà là giao dịch T+2, thì vẫn là một đốm sáng phía xa xa.
Quy định T+3, mà thực chất là T+4, tức mua cổ phiếu bữa nay phải ba ngày sau nó mới về tài khoản và sang ngày thứ tư mới được bán, đã kéo thị trường chứng khoán Việt Nam tụt hậu hơn cả thị trường Lào vừa mới khai sinh.
Có nhiều lý do để giải thích cho sự giẫm chân tại chỗ dài hạn của một quy định lỗi thời như T+3, nhưng một lý do không thể không nêu ra đây là sự nhìn nhận chưa đúng mức của Bộ Tài chính về sự phát triển thị trường vốn.
Trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí khi nhậm chức của người đứng đầu ngành tài chính mới đây, không có một dòng nào đề cập đến các giải pháp xây dựng thị trường chứng khoán ở mức để nó có thể góp phần vào tiến trình cải cách doanh nghiệp quốc doanh cũng như thực thi chức năng huy động vốn cho nền kinh tế.
Cải cách thị trường vốn, vì thế, trước hết nên khởi đầu từ việc nhận thức đúng và đầy đủ của cơ quan quản lý về vai trò của thị trường này!