Cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã kết thúc hôm thứ Ba (31/7) với việc cơ quan này quyết định sẽ thực hiện các biện pháp để làm cho chương trình kích thích khổng lồ của mình trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên, BoJ vẫn cam kết sẽ tiếp tục giữ lãi suất thấp trong thời gian tới.
Theo đó, BoJ đã quyết định duy trì mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Nhưng BoJ cho biết sẽ cho phép lãi suất dài hạn dao động tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế và giá cả, và tiến hành mua tài sản linh hoạt hơn.
“BoJ sẽ mua trái phiếu chính phủ để giữ lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm ở mức khoảng 0%. Trong khi làm như vậy, lợi suất có thể di chuyển lên và xuống với một mức độ chủ yếu phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế và giá cả”, BoJ cho biết trong một tuyên bố công bố quyết định chính sách. BoJ cũng cho biết sẽ tiến hành mua trái phiếu một cách “linh hoạt” nhằm tăng lượng nắm giữ trái phiếu khoảng 80 nghìn tỷ yên mỗi năm.
BoJ cũng cho biết họ sẽ điều chỉnh cách mua tài sản, chẳng hạn như tăng thành phần của các quỹ giao dịch hoán đổi (ETFF) thuộc cấu phần chỉ số Topix để giảm bớt những biến dạng được tạo ra bởi việc mua ETFF của Ngân hàng Trung ương.
Trong một động thái rõ ràng để giữ cho lợi suất không tăng do kỳ vọng về bình thường hóa chính sách trong tương lai, BoJ đã đưa ra hướng dẫn về lãi suất chính sách trong đó cam kết giữ mức lãi suất thấp trong thời gian tới.
“BoJ dự định duy trì mức lãi suất ngắn hạn và dài hạn ở mức cực thấp như hiện tại trong một thời gian dài”, có tính đến sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế bao gồm những tác động của việc tăng thuế bán hàng, dự kiến sẽ tiến hành vào năm tới, cơ quan này cho biết trong tuyên bố chính sách.
Quyết định trên phần nào cho thấy những thách thức mà BoJ phải đối mặt khi lạm phát tại Nhật vẫn yếu ớt một cách dai dẳng buộc họ phải duy trì một chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của mình bất chấp những tác dụng phụ của chương trình này.
Tuy nhiên, những thay đổi trên cho thấy, trong khi BoJ có kế hoạch duy trì chương trình kích thích cơ bản như hiện tại, họ cũng đang xem xét tác động của các chính sách này đối với các bộ phận khác của nền kinh tế, như thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng, nhất là khi kinh tế Nhật đang phải đối mặt với những tác động bất lợi từ sự căng thẳng thương mại toàn cầu.
Trong báo cáo đánh giá hàng quý về triển vọng kinh tế của mình cũng phát hành vào thứ Ba, BoJ cắt giảm dự báo lạm phát và thừa nhận lạm phát có thể không đạt được mục tiêu 2% mà BoJ đề ra trong 3 năm nữa.
Có thể nói, BoJ đã hoàn toàn thất bại trong việc phá vỡ suy nghĩ giảm phát đã cố thủ khá lâu tại Nhật Bản mặc dù cơ quan này đã có nhiều năm mạnh tay bơm tiền vào nền kinh tế, tuy nhiên lạm phát vẫn rất yếu ớt.
Thế nhưng hiện dư địa chính sách của BoJ ngày càng hạn hẹp và căng thẳng thương mại toàn cầu đang che mờ triển vọng của nền kinh tế Nhật, vốn cũng dựa khá lớn vào xuất khẩu. Bởi vậy, không rõ liệu BoJ có thể duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình thêm bao lâu khi mà các mức lãi suất cực kỳ thấp đang gây nhiều khó khăn cho các ngân hàng Nhật Bản và khiến thị trường trái phiếu trở nên méo mó.
Quyết định chính sách của BoJ sẽ càng làm cho sự phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Nhật ngày càng được nới rộng khi mà tại cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cơ quan này dự kiến sẽ tái khẳng định triển vọng tăng dần lãi suất của mình.
Hiện thị trường đang đặt cược khá lớn rằng Fed sẽ tăng tiếp lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay sau khi đã thực hiện 2 lần tăng lãi suất vào tháng 3 và tháng 6. Việc kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 4,1% trong quý II vừa qua – mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý IV/2014, càng củng cố thêm cho kỳ vọng này.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến cũng sẽ tăng lãi suất lên 0,75% vào thứ Năm tới.