Trước thông tin TP.HCM và Hà Nội kiến nghị bỏ mức trần phí quản lý chung cư đã dấy lên nỗi lo của những người dân đang cư trú tại những cao ốc.
Không quản nổi thì… bỏ?
Anh Nguyễn Quang Hùng ngụ tại chung cư Saigon Pearl (Bình Thạnh, TP.HCM), bức xúc: “Họ thu phí quản lý và phí giữ xe quá cao, vượt rất nhiều lần khung của nhà nước, khi dân yêu cầu giảm phí, họ không chịu nên xảy ra tranh chấp. Nói không được, nhiều hộ dân không chịu đóng phí..”. Mức phí mà cư dân Saigon Pearl đang phải gánh là 17.000 đ/m2 (phí quản lý) và xe hơi là trên 1,7 triệu đ/xe/tháng. Câu chuyện không chỉ xảy ra tại Saigon Pearl. Hay như mới đây (cuối năm 2012), cư dân chung cư Mỹ Thuận (Q.8) đã bức xúc khi phí quản lý tăng từ 3.000 đồng lên 5.000 đ/m2/tháng.
Cách đây 3 năm, tranh chấp giữa cư dân sống tại cao ốc Copac Q.4 và chủ đầu tư là Cty CP XD và TM Thái Bình Dương, về diện tích tăng thêm và sau đó kéo theo tranh chấp về phí quản lý và phí giữ xe. Khi BQL công bố chuyện đấu thầu chỗ để xe hơi (gần 400 căn hộ mà chỉ có… hơn 100 chỗ đậu xe) với mức giá khởi điểm lúc đó là 1,5 triệu đồng và phí quản lý được đưa ra là 12.000 đ/m2. Lập tức người dân “nổi giận” không đóng phí, dẫn đến căng thẳng giữa BQL và cư dân. Để phản đối BQL, người dân tràn ra trước cổng cao ốc căng biểu ngữ phản đối…
Để “dàn xếp” những mâu thuẫn này, những cơ quan có trách nhiệm đã phải soạn ra “khung” giá dịch vụ phí. Việc áp dụng khung giá này mặc dù đã gặp không ít những ý kiến phản hồi, nhưng phần nào giải quyết được những xung đột. Vấn đề chưa kịp bàn thảo để hoàn chỉnh khung giá thì đột nhiên những cơ quan hữu trách tuyên bố (thông qua bản dự thảo Quyết định cơ chế quản lý nhà chung cư) không tham gia vào việc ban hành khung giá mà mức phí này tùy thuộc vào sự thỏa thuận của cư dân và đơn vị quản lý chung cư. Nguyên tắc xác định chi phí là tính đúng, tính đủ các khoản chi, lợi nhuận chỉ lấy mức hợp lý để quản lý vận hành toàn nhà. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cơ quan chủ trì dự thảo, quá trình xây dựng hệ thống văn bản, quy định về nhà chung cư đã kéo dài khá lâu, trong khi đó, thực tế việc thu phí dịch vụ tại các toà nhà đang diễn ra một cách tự phát, tuỳ tiện dễ gây phát sinh tranh chấp.
Bỏ trần sẽ tăng tranh chấp?
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về việc có hay không áp trần dịch vụ chung cư, nhưng đa phần các ý kiến đều cho rằng, vấn đề quan trọng ở đây để giải quyết các mâu thuẫn này chính là việc minh bạch, công khai trong việc thu phí dịch vụ. “Nghe nói TP.HCM đang đề xuất việc bỏ trần phí quản lý chung cư, thật sự chúng tôi rất lo lắng vì làm như thế chúng tôi rất dễ bị chủ đầu tư áp đặt mức phí cao. Trước đây có quy định mức phí mà họ còn tăng phí tùy tiện, dân luôn chịu thiệt, bây giờ bỏ chắc sẽ căng lắm…”, chị Phạm Thị Yến – chung cư D5 lo lắng.
Rõ ràng với khung pháp lý hiện nay, việc bỏ trần mức phí quản lý chung cư đang khiến những người dân sống tại các khu chung cư thật sự lo lắng, có thể khi bỏ mức phí trần này thì các cơ quan quản lý sẽ “rảnh tay” hơn, nhưng ngược lại cái khó người dân sẽ phải gánh chịu. Trong phần trả lời trước các phương tiện thông tin đại chúng mới đây, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cũng phân tích: Trong các hợp đồng mua bán căn hộ, các điều khoản luôn có lợi cho chủ đầu tư; Quy định về việc bầu BQT không được thực hiện thì việc thả nổi phí chung cư sẽ làm cho người dân bất lợi hơn, dễ dẫn đến kiện cáo.
Nếu quy định này được thông qua thì chắc chắn chủ trương từng bước đưa người dân vào sống tại các khu chung cư sẽ bị phá sản, hệ luỵ của nó là sẽ làm người dân quay lưng lại với chung cư, một mô hình hiện đại.