“Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chính thức khởi sự, Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Chính phủ nêu nhận định ban đầu và đưa ra một số đề xuất cụ thể”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết tại hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 sáng 9/7.
Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề lớn, phản ảnh cuộc cạnh tranh quyền lực chứ không chỉ đơn thuần là chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc Mỹ – Trung Quốc.
Bộ trưởng cho rằng cần phải đánh giá sâu hơn ở nhiều khía cạnh khác. Không chỉ riêng Trung Quốc, Mỹ đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngay cả với các nước đồng minh của mình.
Cuộc chiến không chỉ đơn thuần về thuế, đây còn là cuộc chiến về bản quyền công nghệ, chính sách tiền tệ tín dụng, cơ cấu kinh tế… Vị Bộ trưởng cho rằng cuộc chiến đặt ra những yêu cầu cho từng quốc gia riêng rẽ trong định hướng tiếp theo của toàn cầu hóa.
Chiến lược ứng phó rất khó
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: “Về 6 tháng cuối năm nay, có rất nhiều dự báo về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Có ý kiến cho rằng đây là cơ hội tới hàng hóa của Việt Nam, nhưng chúng tôi cho rằng đây không thể là cơ hội. Hiện nay kinh tế Việt Nam có độ mở cao. Các vấn đề đều có tác động đến Việt Nam”.
Theo ông Chinh, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bây giờ mới bắt đầu và không biết khi nào kết thúc, có thể sau 1 tháng, cũng có thể 1 năm hoặc lâu hơn nữa. Vì vậy, việc kêu gọi xây dựng chiến lược để ứng phó sẽ rất khó.
Vị Cục trưởng cho hay đây không những là cuộc chiến thương mại giữa hai nước lớn, rất có thể sẽ ảnh hưởng tới các nước xuất siêu qua Mỹ. Ông Chinh cho rằng trước mắt là thách thức đối với xuất khẩu Việt Nam.
Phòng vệ trước hàng Trung Quốc
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cuộc chiến đặt ra nhiều vấn đề đối với Việt Nam trong việc quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu. “Chúng ta cần định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu”, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.
Hiện nay theo Bộ trưởng, xuất khẩu theo chiều rộng đã đạt được kết quả tích cực nhưng cần đánh giá về độ tương đồng của chiều sâu. Cùng với đó, ông cho rằng cần chú trọng đến chính sách tạm nhập tái xuất của Việt Nam, nhất là trong thời điểm xung đột thương mại tác động trực tiếp đến quan hệ Việt Nam và các nước láng giềng.
Vị Bộ trưởng cũng cảnh báo với cơ chế của phòng vệ thương mại hiện nay, nguy cơ hàng Trung Quốc trần ngập vào thị trường nội địa Việt Nam là rất lớn.
“Vấn đề này đòi hỏi vai trò quản lý Nhà nước không chỉ ở Bộ Công Thương, mà còn là cơ quan Thuế, Hải quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng…”, Bộ trưởng cho biết. Cùng với đó, ông cho rằng cần xem lại luật cạnh tranh, quản lý ngoại thương, cam kết thương mại để có biện pháp tự vệ.
Bộ trưởng Tuấn Anh cũng đặt ra vấn đề cần giải quyết trước nguy cơ các sản phẩm dệt may đồ gỗ, da giày… của Việt Nam có thể bị áp thuế nếu các sản phẩm của Trung Quốc bị chặn đường xuất khẩu sang Mỹ.
Bộ trưởng cho rằng cần có biện pháp đánh giá nguy cơ, nghiên cứu thị trường, tổ chức thực hiện… trước nguy cơ từ cuộc chiến thương mại này. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cảnh báo nguy cơ biến động tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và USD tác động tới thương mại Việt Nam và đề nghị các đơn vị trong Bộ cùng có biện pháp để ứng phó.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tiết lộ trong chuyến làm việc cùng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Công Thương đã làm việc với đại diện thương mại Hoa Kỹ và đề xuất trực tiếp những vấn đề liên quan nhằm giải quyết phần nào nguy cơ ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại. Vị Thứ trưởng cho biết cuộc làm việc đạt được kết quả tốt, phía Mỹ đánh giá cao các hoạt động của Việt Nam đối với các ngành hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump yêu cầu áp thuế quan lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc sẽ bắt đầu lúc 0h01 EST sáng 6/7 giờ Mỹ (11h01 sáng giờ Hà Nội). Thuế với 16 tỷ USD tiếp theo dự kiến có hiệu lực sau 2 tuần nữa.
Ngoài ra, ông Trump cũng sẽ xem xét áp thuế bổ sung với 500 tỷ USD hàng hóa nếu Bắc Kinh trả đũa, đưa tổng số lên tới 550 tỷ USD – cao hơn cả mức Trung Quốc xuất sang Mỹ vào năm ngoái (506 tỷ USD).
Tuyên bố này củng cố đe dọa trước đó rằng xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ leo thang. Căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo với tất cả tài sản đều ảnh hưởng, từ cổ phiếu, tiền tệ đến hàng hóa như đậu tương, than đá.