Trước những biến tướng trong hoạt động đầu tư máy đào tiền ảo đang gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư (NĐT), để ngăn chặn kịp thời các sự vụ khác có thể xảy ra, các cơ quan quản lý đã đưa ra đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo trong thời gian tới.
Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, số lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam tăng cao. Số liệu thống kê từ năm 2017 đến nửa tháng 4/2018, tại ba thành phố lớn là Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đã nhập 15.600 máy đào tiền ảo (Tp.HCM: 7.000 máy, Hà Nội: 6.000 máy).
Hàng nghìn nhà đầu tư mất trắng
Cơ quan quản lý, giới chuyên gia kinh tế cũng như luật sư khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Hơn nữa, hiện nay chưa có hành lang pháp lý quy định về tiền ảo, vận hành, trung tâm giao dịch… như thế nào, nên kẻ xấu thường lợi dụng lỗ hổng này để biến tướng thành hình thức kinh doanh đa cấp, lừa đảo NĐT. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ số tiền lớn để đầu tư vào mô hình này.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng động cơ chính tham gia đầu tư tiền ảo vẫn là lòng tham của NĐT khi được hứa hẹn sẽ nhận được mức lãi suất cao và lời hứa hẹn nhanh chóng trở thành tỷ phú mà không cần phải làm gì!
Thực tế, từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ lừa đảo NĐT đã bị phát tố như vụ lừa đảo 6.000 NĐT thông qua sàn tiền ảo VNCOINS dạng đa cấp, hay vụ việc hàng ngàn NĐT bị chiếm đoạt tài sản bởi công ty Cổ phần Modern Tech, với số tiền lên đến hơn 15.000 tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngày 23/7/2018, nhiều NĐT tại Tp.HCM đã lên tiếng tố công ty Sky Mining – chuyên đầu tư máy đào tiền ảo cực lớn tại Việt Nam, có dấu hiệu lừa đảo.
Trong hơn 500 lá đơn kêu cứu được gửi tới cơ quan điều tra, người đầu tư thấp nhất cũng là 3.000 USD, phần lớn là 5.000 USD, đang có nguy cơ rất cao bị mất trắng.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư Tp.HCM): “Hiện nay, Việt Nam chưa có khung pháp lý để điều chỉnh và bảo vệ quyền lợi của những NĐT tiền ảo. Còn hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật. Do đó, khi có tranh chấp phát sinh từ các giao dịch dân sự có sử dụng tiền ảo thì có thể bị tuyên vô hiệu do có nội dung vi phạm điều cấm của luật, các bên chỉ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nhưng nếu bên có nghĩa vụ hoàn trả tiền không có khả năng thanh toán thì nguy cơ mất tài sản là rất cao”.
Đề xuất tạm dừng nhập khẩu máy đào
Trước những vụ việc “sập bẫy” khi đầu tư tiền ảo ngày càng phức tạp trong khi việc xây dựng hành lang pháp lý quản lý tiền ảo vẫn còn là khoảng trống, chưa hoàn chỉnh, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp… nghiên cứu, xem xét việc đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.
“Hiện nay, Bộ Công Thương đã có đề xuất và đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ nhằm sớm nhất đưa ra quyết định biện pháp quản lý phù hợp với việc nhập khẩu mặt hàng máy đào tiền ảo này”, ông Hải nói.
Theo quy định hiện hành, mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin, Litecoin… hiện chưa có mã HS riêng để quản lý, đang xếp chung vào nhóm máy “xử lý dữ liệu tự động” có mã HS 8471.80.90 và mặt hàng này thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ TT&TT.
Tuy nhiên, theo Nghị định 69/2018/NĐ- CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, các mặt hàng thuộc mã HS 8471.80.90 không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo Giấy phép, điều kiện.
Dưới góc độ quản lý nhà nước về tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện nay, các quy định pháp lý hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về tài sản ảo và tiền ảo. Tuy nhiên, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt khung đề án để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo và tài sản ảo, giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý.
“Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra những quy định để khống chế và đưa ra khuyến cáo với người dân, doanh nghiệp không nên tham gia vào các hoạt động này. Tuy nhiên, việc quản lý tiền ảo và máy đào tiền ảo thuộc phạm vi rộng nên vẫn cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng khác”, bà Hồng nói.