Đã đi qua hơn nửa chặng đường của năm 2018, các doanh nghiệp vẫn tạo ra lợi nhuận lớn nhưng thị trường vẫn chưa có nhiều sản phẩm mang tính đột phá, biên lợi nhuận bị kéo lùi.
Trước đó, trong mắt nhiều nhà đầu tư, cổ phiếu ngành dược không mấy hấp dẫn như cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, tài chính… Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán vẫn có góc nhìn triển vọng về cổ phiếu ngành này với những kế hoạch đầu tư, nới room, thoái vốn nhà nước…
Gánh nặng chi phí
Đứng đầu danh sách biên lợi nhuận gộp giảm sâu là CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã: DCL) đã giảm hơn 19% từ mức biên 33% về chỉ còn 26%.
Vị trí thứ hai thuộc về CTCP Traphaco (mã: TRA) ghi nhận mức giảm 12% về mức biên lãi gộp 51%, CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (mã: DMC) cũng giảm gần 12% biên lãi.
Ngoài ra, CTCP Pymepharco (mã: PME), CTCP Dược Hậu Giang (mã: DHG), CTCP Dược phẩm OPC (mã: OPC) cũng nằm trong danh sách giảm biên độ lợi nhuận với tỷ lệ điều chỉnh trung bình lên đến 5%.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, đa số các doanh nghiệp đều giữ vững mức lãi, dù tỷ lệ tăng trưởng không quá cao. Tuy nhiên, một số ông lớn như Dược Hậu Giang, Traphaco, Dược Cửu Long… lại ghi nhận giảm lãi lũy kế 6 tháng do gánh nặng chi phí.
Theo BCTC hợp nhất quý II/2018, Dược Hậu Giang ghi nhận 933 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 1% so với cùng kỳ; giá vốn hàng bán giảm gần 2%, đẩy lợi nhuận gộp tăng 4% đạt 436 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 21% xuống gần 68,8 tỷ đồng, tuy nhiên, chi phí bán hàng trong kỳ tăng gần 21% lên gần 183 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí trả cho nhân viên cũng tăng 11 tỷ đồng.
Kết thúc quý II, Dược Hậu Giang báo lãi trước thuế đạt 190 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do chi phí thuế tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế đạt 138,8 tỷ đồng, giảm 25% so với quý II/2017.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần đạt 1.841 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh thu 1.808 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 310 tỷ đồng, giảm 14% so với nửa đầu năm ngoái.
Tương tự, kết thúc quý II/2018, lợi nhuận hợp nhất của Dược Cửu Long chỉ đạt 2,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 26,7 tỷ đồng, giảm 23,8 tỷ đồng.
Ông Trần Quốc Khánh, Tổng Giám đốc DCL, cho biết nguyên nhân chính dẫn tới lãi hợp nhất giảm mạnh do công ty đẩy mạnh xây dựng hệ thống, mở rộng thị trường, kéo chi phí bán hàng tăng; chi phí tài chính cũng tăng mạnh do công ty phải ghi nhận chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi, đồng thời giá nguyên vật liệu và chi phí sản xuất tăng, khiến công ty giảm lãi so với cùng kỳ.
Chi phí giá vốn, chi phí lãi vay tăng mạnh từ mức 800 triệu lên gần 3 tỷ đồng, cùng với mức tăng đáng kể từ chi phí bán hàng, chi phí quản lý, cũng khiến lợi nhuận sau thuế của Traphaco trong 6 tháng đầu năm giảm gần một nửa từ 118 tỷ đồng về chỉ còn 62 tỷ đồng.
Cổ phiếu “chìm lấp”
Bên cạnh đó, việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (room) lên 100%, cổ đông lớn Taisho tiến hành nâng sở hữu thông qua việc thu gom cổ phiếu DHG trên thị trường là những thông tin hỗ trợ lớn cho cổ phiếu DHG trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, cổ phiếu DHG vẫn giao dịch “lình xình” không có nhiều đột phá. Ngay sau ĐHĐCĐ được tổ chức thành công, cổ phiếu DHG đã tăng lên 117.000 đồng/cp. Tuy nhiên, hiện cổ phiếu này đã giảm chỉ còn 102.000 đồng/cp (phiên 8/8), tương đương mức giảm 12,8% sau hơn 3 tháng.
Tính từ đầu quý II tới nay, cổ phiếu DCL cũng đã giảm mạnh từ mức giá 19.800 đồng/cp (phiên 30/3) xuống còn 14.300 đồng/cp (phiên 8/8), tương đương mức giảm đạt gần 27,8%.
Tương tự, cổ phiếu TRA của Traphaco cũng ghi nhận mức giảm 28,9% từ đầu quý II tới nay, từ mức giá 101.800 đồng/cp xuống 72.400 đồng/cp.
Mới lên sàn hồi cuối năm 2017, cổ phiếu PME đã ghi nhận mức tăng trưởng đột biến trong những tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, không nằm ngoài đà giảm chung của thị trường, cổ phiếu PME đã giảm 16% từ mức giá 83.600 đồng/cp hồi đầu tháng 4 xuống còn 70.300 đồng/ cp (phiên 8/8).
Tuy nhiên, vẫn có thể điểm thấy một vài “ngôi sao” ngành dược phẩm trong thời gian qua như CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (mã: DP3) hay CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (mã: DBD).
Đáng chú ý, thanh khoản của nhóm cổ phiếu dược cũng khá trầm lắng so với mặt bằng chung, độ an toàn cao của nhóm cổ phiếu này không hấp dẫn với các nhà đầu tư dưới góc độ giao dịch ngắn hạn.
Nếu tính chung trong vòng hơn hai năm trở lại đây, nhóm cổ phiếu dược là một trong những nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường, DHG, DMC, DHT đã tăng giá gấp 3 – 4 lần so với thời điểm đầu năm 2016.
Các cổ phiếu tăng trưởng khác cũng đều phải bước vào giai đoạn điều chỉnh sau quãng thời gian tăng trưởng dài trước đó. Giai đoạn điều chỉnh có thể kéo dài vài tháng cho đến một năm trước khi quay lại xu thế tăng.
Theo một chuyên gia chứng khoán, đặc điểm của cổ phiếu ngành dược cũng như các cổ phiếu nhóm phi tài chính là những nhóm cổ phiếu tăng trưởng với hệ số P/E (hệ số giá trên thu nhập), P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) cao.
Nhìn từ góc độ tăng giá, mặt bằng giá trung bình của nhóm cổ phiếu dược có thể không tăng đột biến như những nhóm ngành tài chính nhưng lại có mức tăng bền vững về dài hạn.