Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có chia sẻ với báo chí.
Theo ông, nguyên nhân nào khiến CPI 6 tháng đầu năm tăng cao như vậy?
Chỉ số CPI tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước. Đây là tháng 6 có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. Đáng chú ý, giá xăng dầu tháng 6/2018 tăng 2,38% làm tăng CPI chung 0,1%.
CPI 6 tháng đầu năm 2018 tăng khá cao có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất là giá xăng dầu trên thế giới tăng cao với mức tăng 13,9 – 14%. 6 tháng đầu năm 2018, giá dầu Brent bình quân ở mức 70,9 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 52,78 USD/thùng của bình quân cùng kỳ năm 2017.
Ở trong nước, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 5 đợt, giảm 2 đợt, bình quân tăng 13,95% so với cùng kỳ năm 2017, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,59%.
Lý do thứ hai là giá một số mặt hàng lương thực tăng 4,29% so với cùng kỳ năm 2017, góp phần làm CPI tăng 0,19%. Gạo xuất khẩu được giá do nhu cầu gạo tăng từ thị trường Trung Quốc và thị trường các nước Đông Nam Á. Sau một thời gian dài thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng, giá thịt lợn đã tăng trở lại.
Ngoài ra, giá một số dịch vụ tăng theo lộ trình cũng góp phần làm tăng CPI 6 tháng đầu năm. Trong đó, giá dịch vụ y tế tăng 25,68% theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT làm cho CPI tăng 0,99% so với cùng kỳ năm 2017. Một số tỉnh tăng học phí các cấp theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP làm chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,06%, góp phần làm tăng CPI 0,36%. Từ ngày 1/1/2018, lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng, nên giá một số dịch vụ tăng theo, khoảng từ 2 – 8% so với năm 2017.
Sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý giá bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục, lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ 2017. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, lạm phát tăng 1,35% so với cùng kỳ 2017, cao hơn lạm phát cơ bản. Mặc dù vậy, chính sách điều hành tiền tệ vẫn đang ổn định. CPI và lạm phát hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Những thách thức đặt ra trong 6 tháng cuối năm là gì, thưa ông?
Trong 6 tháng cuối năm, có một số yếu tố ảnh hưởng tới CPI. Yếu tố kiềm chế CPI tăng sẽ là giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo lộ trình định mức tiêu hao vật tư ở một số dịch vụ thực hiện Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, trong đó một số dịch vụ giảm như giá dịch vụ giường nằm.
Tuy nhiên, một số yếu tố sẽ làm cho CPI tăng. Chẳng hạn như lương tối thiểu tăng 90.000 đồng từ ngày 1/7/2018, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được điều chỉnh tăng, theo tính toán sẽ tác động khiến CPI tăng 0,27 – 0,29%. Cùng với đó, theo lộ trình của Nghị định 86/2015/NĐ-CP, giá dịch vụ giáo dục sẽ tăng vào tháng 9…
Trong khi đó, xét về yếu tố thị trường, giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tiềm ẩn nhiều biến động. Trong những tháng tới, giá thịt lợn có thể tiếp tục tăng. Tiêu dùng thực phẩm cuối năm tăng cũng tác động tới CPI.
Ngoài ra, một rủi ro khó dự báo khác là giá xăng dầu. Biểu hiện là trong những ngày gần đây, giá xăng dầu tiếp tục tăng do nhu cầu thế giới tăng, do Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và kêu gọi đồng minh không mua xăng dầu của Iran. Dự báo, nguồn cung dầu từ Iran sẽ giảm tới một nửa, khoảng 1 triệu thùng/ngày, trong khi mức cung từ nước này hiện là 2 triệu thùng/ngày. Mặc dù các nước OPEC cam kết tăng sản lượng, nhưng cũng chỉ tăng 1/3 so với dự kiến ban đầu.
Những yếu tố tác động của thời tiết, thiên tai bão lũ trong những tháng cuối năm cũng tiềm ẩn rủi ro gây áp lực lên chỉ số CPI.
Vậy làm thế nào để kiềm chế được đà tăng CPI trong 6 tháng còn lại, ổn định lạm phát ở mức dưới 4% như mục tiêu mà Quốc hội đề ra?
Chính phủ luôn quan tâm đến giải pháp điều hành để kiểm soát lạm phát, đạt mục tiêu dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra. Hàng tháng, Tổng cục Thống kê thường xuyên cập nhật và xây dựng các kịch bản CPI và lạm phát để tham mưu cho Chính phủ trong công tác điều hành, từ đó tính toán lộ trình cũng như thời điểm tăng giá phù hợp. Trên cơ sở đó, nếu thấy tháng nào có chỉ số giá tăng thì có thể điều chỉnh một số giá dịch vụ. Nếu sức ép lạm phát tăng cao thì Chính phủ sẽ không điều chỉnh tăng giá dịch vụ. Chẳng hạn như từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay để hỗ trợ sản xuất, nhưng không có nghĩa là không tăng vào năm sau.
Một trong những yếu tố tác động lớn nhất là giá dầu thô thế giới, nhưng chúng ta đã có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Còn về giá thịt lợn, hiện nhiều hộ gia đình đã quay trở lại tái đàn, nên nguồn cung không bị thiếu hụt như thời gian qua.
Với sự chủ động điều hành linh hoạt và kiểm soát sát sao của Chính phủ, tôi tin rằng lạm phát cả năm 2018 sẽ dưới mức 4%.