Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nắm trọn phục vụ giao dịch thương vụ trên. 110.000 tỷ đồng đó nằm lại trên hệ thống Vietcombank, tạo cú bật tổng tài sản lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng chốt sổ năm 2017.
Ở khoản mục liên quan trên báo cáo tài chính của Vietcombank cũng ghi nhận rõ kết đọng giao dịch trên. Và không lâu, cuối quý 1/2018 nó không còn ở đó nữa.
Nước dồn từ thượng nguồn
Ví dụ trên cho thấy thường có biến số dòng tiền lớn trong lòng hệ thống ngân hàng. Biến số, vì mỗi thay đổi về địa chỉ lưu trú, hoặc sự phân tách hay hội tụ trên hệ thống tại mỗi thời điểm có thể khác nhau, dẫn tới những dấu vết tác động khác nhau.
110.000 tỷ đồng đó không còn đọng tại Vietcombank nữa, nếu nó chuyển về cất tại Ngân hàng Nhà nước, hệ thống tạm hụt một nguồn vốn lớn. Hoặc nếu Bộ Tài chính lấy về, qua Kho bạc Nhà nước gửi lại các ngân hàng thương mại, nó lại tạo một nguồn cung trải ra.
Ở những tình huống như trên, mỗi biến động của dòng vốn lớn từ thượng nguồn đều có thể tác động lớn tới thanh khoản hệ thống ngân hàng, lãi suất và tỷ giá, xa hơn nữa là áp lực đối với lạm phát.
Nguồn vốn từ thượng nguồn từ năm 2017 sang 2018 ở mức độ lớn. Đó là tiền ngân sách. Một mặt, tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn trong tình trạng chậm, vốn vẫn ứ đọng ở trạng thái tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng. Mặt khác, nguồn thu từ hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa tại nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn liên tục diễn ra vừa qua mà thương vụ, dòng tiền từ Sabeco nói trên là một ví dụ.
Nước ứ đọng và dồn từ thượng nguồn, nếu nó tràn ra rồi dâng lên ở hệ thống các ngân hàng thương mại, thị trường ắt có những biến động.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6/6 vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra những con số đáng chú ý: trước thương vụ Sabeco, “số dư tài khoản của ngân sách nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước chỉ có khoảng 50 tỷ nhưng sau đó đã tăng lên 90 tỷ và gần đây nhất đã tăng lên được 150 nghìn tỷ”.
Phó thủ tướng lý giải, việc để ở Ngân hàng Nhà nước là một cách trung hòa nguồn tiền lớn, đỡ phải hút tiền về, đảm bảo cho thị trường tiền tệ và tài khóa lành mạnh, tránh được lạm phát.
Ngắn hạn đỡ dài hạn
Từ ngày 15 – 17/6, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổ chức hội thảo chuyên đề, nhìn về những chuyển động trên thị trường liên ngân hàng cũng như triển vọng nửa cuối 2018.
Tại hội thảo trên, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank đưa ra nhận định, mà đến tuần qua thị trường đã cho những biểu hiện đáng chú ý ở lãi suất VND trên liên ngân hàng và tỷ giá USD/VND.
“Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang khá áp lực trong hoạt động nghiệp vụ điều tiết vốn khả dụng hệ thống. Với nhân tố mua ngoại tệ can thiệp trên thị trường, trên cơ sở dự báo được dòng vốn vào ròng, Ngân hàng Nhà nước sẽ khá chủ động trong việc lên kế hoạch trung hòa lượng tiền VND bơm ra mua vào ngoại tệ, dù mua giao ngay hay mua kỳ hạn”, ông Quang Anh nói.
Tuy nhiên, với nhân tố tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại hệ thống, chuyên gia này cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ rất bị động trong việc kiểm soát cung tiền nếu phía bên Bộ Tài chính thiếu sự hợp tác chặt chẽ và tích cực.
“Việc tiền gửi kho bạc vào – ra Ngân hàng Nhà nước hay ngân hàng thương mại sẽ có ý nghĩa tác động tới thị trường khác nhau. Thực tế, khoản mục này gần đây biến động mạnh, đã khiến thị trường biến động mạnh theo, kéo lãi suất liên ngân hàng dao động lớn. Hiện lãi suất liên ngân hàng VND đang rơi xuống mức khá thấp, tạo GAP khá lớn với lãi suất USD, là một trong những nguyên nhân chính gây áp lực tỷ giá, bên cạnh yếu tố tâm lý lo ngại rủi ro hay có thể có những dòng tiền “ngầm” từ những hoạt động bất hợp pháp”, ông Quang Anh nhận định.
Chốt lại ý kiến phát biểu, chuyên gia này nhấn mạnh: “Đây chính là chìa khóa để giải mã triển vọng thị trường nửa cuối năm 2018, kể cả năm tiếp theo sẽ đi về đâu”.
Yếu tố chìa khóa đó gắn với những biến động của nguồn tiền lớn từ thượng nguồn, như đề cập ở trên.
Thực tế, sau những thông tin từ hội thảo trên, thị trường có những biến động đáng chú ý. Lãi suất VND trên liên ngân hàng rơi sâu, tỷ giá USD/VND có những bước tăng tách khỏi quãng ổn định trước đó.
Thoạt tiên, có những góc nhìn gắn với hoạt động bán ròng kéo dài của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Nối tiếp là sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Tác động từ vốn ngoại đảo chiều được gợi mở, gắn với biến động tỷ giá USD/VND.
Nhưng, VnEconomy tham khảo ở một kênh giám sát, không có hiện tượng vốn ngoại rút ra dẫn tới tác động mạnh đến tỷ giá. Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cũng phân tích cụ thể dòng vốn ngoại vào mạnh và lớn hơn nhiều so với vốn ra, qua các kênh truyền thông phản ánh gần đây.
Thậm chí, khi trao đổi về chuyển động này, nhất là trước quan ngại bên ngoài có lợi suất hấp dẫn hơn từ các bước tăng lãi suất của FED, một chuyên gia cho rằng: “Việt Nam đang thúc đẩy thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, mới ở những bước đầu của quá trình thúc đẩy tư nhân hóa, cơ hội và tỷ suất đầu tư có triển vọng hấp dẫn hơn, nên vốn ngoại sẽ vẫn vào mạnh chứ không phải là rút ra”.
Trong khi đó, với biến động của tỷ giá USD/VND vừa qua, diễn biến giảm sâu của lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, tạo chênh lệch âm sâu so với lãi suất USD đang trở nên nổi bật. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động từ đầu tháng 6 và dồn dập điều tiết qua tăng cường phát hành tín phiếu hút bớt tiền về tuần qua.
Nhà điều hành vẫn vậy, phải sử dụng công cụ tín phiếu, chủ yếu ngắn hạn để xử lý vấn đề đang trở nên dài hạn của Việt Nam: với giải ngân đầu tư công chậm trong khi kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hứa hẹn tiếp tục sôi động, nguồn tiền lớn dồn đọng từ thượng nguồn mà nếu tràn dâng qua tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, áp lực điều tiết vốn khả dụng hệ thống luôn lớn và có phần thụ động.
Tuy nhiên, như hướng Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập ở trên, một giải pháp nắn dòng sang để ở Ngân hàng Nhà nước đã mở ra; xa hơn, tốc độ giải ngân đầu tư công có thể được đẩy mạnh hơn, nếu sau khi những điều chỉnh luật được Quốc hội xử lý vào kỳ họp cuối năm.