Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID-HoSE) báo lãi quý II tăng vọt gấp đôi cùng kỳ nhờ gia tăng đáng kể các nguồn thu trong khi chi phí dự phòng chỉ nhích nhẹ.
Theo báo cáo tài chính do BIDV vừa công bố, thu nhập lãi thuần tiếp tục là nguồn thu chính, mang về 8.321 tỷ đồng riêng quý II, tăng 16% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ và hoạt động khác đều xấp xỉ nghỉn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17% và 37% so với cùng kỳ. Giải thích lý do lãi hoạt động khác tăng nhanh, BIDV cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ thu hồi nợ ngoại bảng. Sau khi trừ đi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng 80% so với cùng kỳ, đạt 2.551 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cao gấp đôi, xấp xỉ 2.040 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng của BIDV đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Ngân hàng này đã mạnh tay trích lập dự phòng trong quý I trước đó. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 5.037 tỷ đồng, tăng 36% và hoàn thành 54,2 % kế hoạch 9.300 tỷ đồng đề ra cho cả năm.
Tính đến cuối quý II, quy mô tài sản của BIDV tăng 5,51% lên 1.268.549 tỷ đồng. Bên cạnh sự gia tăng của thu nhập lãi, khoản lãi, phí phải thu tăng 21,85% so với đầu năm, lên hơn 11.550 tỷ đồng. Tỷ trọng cho vay khách hàng/ tổng tài sản nâng từ 72,1% lên 73,2%.
So với thời điểm đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,18%. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý II ở mức 1,49% giảm đáng kể so với hồi đầu năm (1,62%) nhờ giảm nợ nhóm 5 và mức tăng của nợ xấu vẫn chậm hơn tăng trưởng cho vay.
Gia tăng các khoản cho vay, BIDV đồng thời giảm đáng kể cho vay trên liên ngân hàng (16.500 tỷ đồng), giảm tiền gửi tại NHNN (8.500 tỷ đồng).
Về cơ cấu nguồn vốn, tỷ trọng tiền gửi cho vay khách hàng hiện chiếm 76%. Tăng trưởng huy động vốn qua kênh này tăng 12,16% lên 964.543 tỷ đồng. Trong khi đó, huy động qua kênh giấy tờ có giá giảm mạnh từ 26.000 tỷ đồng khi BIDV thực hiện tất toán một loạt chứng chỉ tiền gửi.
Vốn chủ sở hữu tăng thêm 4.200 tỷ đồng sau nửa đầu năm, chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận để lại. Lợi nhuận chưa phân phối của BIDV đến 30/6 đã xấp xỉ 10.725 tỷ đồng, tương đương 1/3 vốn điều lệ của ngân hàng này. BIDV dù đã lên các kế hoạch tăng vốn từ các năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện dù đã có nhiều đồn đoán trên thị trường từ lâu về đợt phát hành riêng lẻ cổ phần cho NĐT nước ngoài.