Nhu cầu của thị trường là có thực
Mới xuất hiện hai năm, song mô hình P2P, một dạng kinh tế chia sẻ như Uber, Grab – kết nối trực tiếp người có vốn và người cần vay vốn đang phát triển khá mạnh ở Việt Nam, chứng tỏ nhu cầu của thị trường là rất lớn.
Theo ông Trần Thế Vĩnh, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Tima (Sàn vay mượn Tima), trung bình mỗi ngày, công ty này xử lý 10.000 đơn vay mượn. Đến nay, Tima đã cho khoảng 1,6 triệu người vay là khách hàng cá nhân, với tổng dư nợ kết nối trên 32.000 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Lendbiz – một công ty P2P nhắm tới đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa – cũng cho biết, sau gần 1 năm hoạt động, Lendbiz nhận thấy thị trường nhiều tiềm năng bởi số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần vốn và không tiếp cận được vốn vay ngân hàng là rất lớn.
Theo ông, sau khi được Lendbiz thẩm định và được các nhà đầu tư hỗ trợ nguồn vốn, các doanh nghiệp đều mở rộng kinh doanh, trả nợ đầy đủ và đúng hạn; nhiều doanh nghiệp sau khi trả hết nợ đã tiếp tục tái huy động. Với các nhà đầu tư (bên cho vay), nhu cầu đầu tư là rất lớn và đều có chung mong muốn là tăng thêm thu nhập thụ động một cách an toàn.
Giới chuyên gia ước tính, dù chưa được pháp luật thừa nhận và đang hoạt động dưới “vỏ” là tư vấn đầu tư, song các công ty P2P đã thu hút được hàng triệu người vay và gửi tiền. Tổng doanh số cho vay theo hình thức P2P tại Việt Nam hiện lên tới cả trăm ngàn tỷ đồng. Một số công ty hoạt động theo mô hình P2P tiêu biểu là Huydong, Tima, Vaymuon, SHA, Lendbiz…
Trong bối cảnh phần lớn dân số chưa thể tiêp cận được kênh tín dụng chính thức, thì P2P là công cụ tài chính lý tưởng giúp nhiều khách hàng “dưới chuẩn”, đặc biệt là những người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận vốn. Tuy nhiên, sau khi hơn 100 sàn P2P ở Trung Quốc đổ vỡ, hàng loạt chuyên gia đã cảnh báo về mô hình này ở Việt Nam.
Biến tượng tín dụng đen và nguy cơ tiền bốc hơi?
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico nhận định, với mô hình P2P, người cho vay không biết đã cho ai vay, nếu bên vay không trả được nợ thì việc khiếu kiện cũng rất khó khăn do phía công ty P2P chỉ là trung gian tư vấn, không chịu trách nhiệm về khoản vay. Trong khi đó, phía bên đi vay cũng chịu rủi ro lãi suất cao, thậm chí có trường hợp công ty P2P hoạt động như tín dụng đen trá hình, cho vay với lãi suất trên 100%/năm.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, P2P là một sáng tạo của nền kinh tế số, song thay vì cấm đoán và lo ngại rủi ro, cần phải có hành lang pháp lý để quản lý.
Về phía nhà đầu tư, khi tham gia cho vay theo hình thức P2P cũng phải xác định, đây là một kênh đầu tư, chứ không phải là kênh gửi tiền. Tương tự, bên đi vay cũng phải đọc kỹ điều khoản về lãi suất vay, nếu không muốn sập bẫy tín đụng đen. Trên thực tế, sự biến tướng của các mô hình P2P ở Việt Nam chưa có dấu hiệu rõ ràng.
Về phía người trong cuộc, ông Hưng thừa nhận, dù P2P là kênh hữu hiệu để khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, song công cụ này sẽ chỉ tốt khi được đưa vào tay những người “tốt”. Rủi ro có thể xảy ra nếu một công ty P2P không có đủ năng lực để thẩm định người vay hoặc sử dụng vốn của nhà đầu tư không đúng mục đích.
Nói về nguy cơ đổ vỡ hàng loạt của mô hình P2P như đang xảy ra tại Trung Quốc, ông Hưng cho rằng, quy mô thị trường P2P ở Trung Quốc đã lên tới 187 tỷ USD và trở thành kênh dẫn vốn hữu hiệu với nền kinh tế nước này. Diễn biến gần đây tại thị trường P2P Trung Quốc là khủng hoảng tạm thời, là bộ lọc tất yếu để loại bỏ những doanh nghiệp không kinh doanh nghiêm túc và tạo cơ hội cho những doanh nghiệp uy tín.
“Tình trạng khủng hoảng tương tự ở Trung Quốc có xảy ra tại Việt Nam không là khó dự đoán. Song chắc chắn, Chính phủ và các doanh nghiệp P2P tại Việt Nam đã có một ví dụ điển hình để rút ra kinh nghiệm cho mình”, ông Hưng nói.
Cần sớm đưa ra điều kiện kinh doanh
Theo TS. Cấn Văn Lực, không nên và cũng không thể cấm hình thức P2P, vì đây là một sản phẩm tất yếu của nền kinh tế số, nhưng cần có biện pháp quản lý để tránh hình thức này biến tướng theo kiểu tín dụng đen, đa cấp trá hình…
Giới chuyên gia thì cho rằng, mô hình P2P ở Trung Quốc sụp đổ vì phát triển quá nóng, biến tướng theo hình thức đa cấp, tín dụng đen quá nhiều dẫn đến khó kiểm soát.
Ở nước ta, theo luật sư Trương Thanh Đức, do thị phần còn nhỏ, nên mô hình P2P chưa tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ. Thế nhưng, khi thị trường này phình to, nếu đổ vỡ xảy ra, nền tài chính – tiền tệ quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, luật sư Đức kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần công nhận, song cũng phải quy định đây là lĩnh vực hoạt động kinh doanh có điều kiện.
“Công ty P2P chỉ là trung gian giữa tư vấn, môi giới, song cũng đóng vai trò na ná như nhà băng. Vì vậy, cần phải quy định chặt chẽ điều kiện hoạt động và trách nhiệm các bên để thị trường phát triển lành mạnh, an toàn”, ông Đức kiến nghị.
Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, mô hình P2P không chỉ có rủi ro, mà có ý nghĩa rất lớn đối với tài chính toàn diện ở nước ta. Vì vậy, không nên vì lo lắng rủi ro mà cấm đoán, thay vào đó phải có khung khổ pháp lý rõ ràng.
Trả lời vấn đề này, đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) thừa nhận, sự ra đời của mô hình cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng trên nền tảng công nghệ số đang đòi hỏi cơ quan quản lý phải ban hành các quy định quản lý. Hiện tại, NHNN đang nghiên cứu để ban hành khung khổ pháp lý thử nghiệm cho các fintech, trong đó có mô hình P2P.
Dưới góc độ một doanh nghiệp, ông Hưng kỳ vọng, cơ quan quản lý sớm xây dựng khung khổ pháp lý về hoạt động P2P, từ đó giúp xã hội hiểu rõ hơn hoạt động này, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp P2P có điều kiện phát triển mạnh hơn.