Nếu bạn chưa bao giờ giao dịch phái sinh thì khi nghe những nhận định: “95% người giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh thua lỗ” hay “Thị trường chứng khoán phái sinh là tội đồ làm chứng khoán cơ sở đỏ lửa” thì bạn sẽ tự nhủ với bản thân rằng: “ Mình sẽ không bao giờ bước chân vào cái thị trường rủi ro đó, thà không được tiền còn hơn mất tiền ngu ngốc”.
Vậy làm sao để chúng ta có thể đứng trong số 5% những người chiến thắng? Làm sao để có thể lướt trên đầu những con sóng phái sinh?
Những người thua lỗ trên thị trường phái sinh thường có chung một tâm trạng:
“Tôi thật sự ko thể ngăn nổi bước chân mình lại. Tôi biết rằng 95% người chơi phái sinh là thua lỗ, vậy mà tôi vẫn tin rằng mình sẽ nằm trong số 5% người chiến thắng kia. Tôi biết rằng ngày hôm nay tôi kiếm được 10 đồng, nhưng ngày mai tôi cũng có thể bị thị trường lấy đi 20 đồng. Tôi biết rằng đồng tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt chả dễ dàng gì, vậy mà trên thị trường phái sinh, có lúc tôi không còn cảm giác sợ hãi khi mất tiền, để rồi mọi thành quả của tôi bị thiêu rụi trong chốc lát. Tôi đã thề với bản thân là sẽ kết thúc trò chơi này, nhưng rồi tôi lại tiếp tục… Tôi không biết giờ phải làm sao?”
Tôi tin rằng khi bạn quyết định chơi phái sinh, tức là bạn đã hiểu, đó là trò chơi có tổng bằng 0. Khi bạn được, nghĩa là tại giây phút đó, có người khác đang mất. Còn khi bạn mất, có nghĩa là tại giây phút đó có người đang được. Đó chỉ là những trạng thái được- mất tạm thời. Bạn có biết vì sao có đến 95% nhà đầu tư thua lỗ không? Đó là vì có đến 95% nhà đầu tư không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Phái sinh là trò chơi thử thách kiến thức quản lý tiền, kỷ luật vào-ra lệnh, và khả năng kiểm soát cảm xúc nữa. Tiền bạc luôn làm dâng trào nhiều cảm xúc. Khi bạn trải qua những cảm xúc tồi tệ, khả năng thua lỗ càng tăng, và làm tổn hại đến thành quả giao dịch. Bạn hãy giao dịch với thái độ nghiêm túc, điềm đạm, không được tùy tiện nóng vội.
Kiểm soát cảm xúc là thứ khó nhất. Nhiều khi vì quá tham lam nên bạn cuống cuồng mua đuổi, mua xong thì chỉ số giảm không phanh, rồi vì quá sợ hãi nên bạn bán tống bán tháo để đóng trạng thái với tình trạng thua lỗ nặng nề, nhưng vừa đóng xong thì chỉ số tăng trở lại. Bạn phải làm sao để kiểm soát được cảm xúc của mình?
1. Dùng công cụ và kỷ luật để quản lý cảm xúc cá nhân
Hãy dùng công cụ và kỷ luật để giúp bạn quản lý cảm xúc. Bạn đã từng nghe đến công cụ fibonacci retracement chưa? Bạn đã từng nghe đến lệnh điều kiện hay lệnh stop loss chưa?
Fibonacci retracement là công cụ mà các nhà phân tích kỹ thuật thường hay sử dụng để đưa ra các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự. Bạn hãy xác định con sóng gần nhất, rồi dùng công cụ này kéo từ đỉnh tới đáy, hệ thống sẽ cho bạn các ngưỡng theo tỷ lệ từ 0%, 23,6%, 38,2%, 50%, 61,8%, 76,4%, 100%. Tại các ngưỡng này sẽ có những mức giá để bạn quyết định vào- ra.
Nếu thị trường đang trong xu hướng tăng (thể hiện ở đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước, số lượng dư mua >số lượng dư bán) và mức giá đang ở ngưỡng trên của ngưỡng 50%, thì bạn có thể tự tin long để rồi có thể bán ở các ngưỡng phía trên tại 61.8%, 76.4%, hay 100%. Còn nếu giá đang ở dưới ngưỡng 50%, bạn có thể tạm thời quên đi xu hướng tăng trước đó, và nếu kết hợp quan sát khối lượng dư bán>khối lượng dư mua, thì bạn có thể tự tin với vị thế short, để rồi có thể long lại tại các ngưỡng phía dưới tại 38.2%, 23.6%, 0%.
Dùng lệnh dừng lỗ hoặc lệnh điều kiện để kiểm soát rủi ro
Với mỗi vị thế bạn đặt mới, bạn cần kèm theo lệnh stop loss (lệnh dừng lỗ). Lệnh stop loss là lệnh bán phía dưới giá trị thị trường khi bạn mua, hoặc lệnh mua ở phía trên giá thị trường khi bạn đang bán. Lệnh dừng lỗ sẽ giúp bạn không bị tổn thương mạnh khi gặp phải những cú đảo ngược giá. Nếu bạn long/mua tại ngưỡng 61,8%, thì tôi khuyên bạn nên đặt lệnh short điều kiện ở ngưỡng 50%. Còn nếu bạn đã short/bán tại ngưỡng 38,2% thì bạn nên đặt lệnh long điều kiện tại ngưỡng 50% để dừng lỗ. Ngưỡng 50% thường là ngưỡng không rõ xu thế, cả người mua và người bán đều phân vân, nên tốt nhất bạn chọn điểm dừng lỗ an toàn tại đó. Nếu bạn đặt lệnh dừng lỗ quá gần 1-2 giá, thì thường bạn sẽ bị rơi vào bẫy là khớp dừng lỗ xong, giá lại quay lại xu hướng ban đầu bạn nhận định. Nếu bạn đặt lệnh dừng lỗ quá xa 10 giá thì nó không có chức năng bảo vệ nhiều vì như thế bạn đã lỗ nặng nề.
2. Quy tắc 2%-6%
Bạn cần xác định điểm dừng lỗ dựa trên 3 cơ sở sau: thứ nhất ngưỡng hỗ trợ/kháng cự fibonacci tiếp theo so với ngưỡng bạn đặt, thứ 2 là số tiền lỗ không được vượt quá 2% tổng số tiền bạn đầu tư cho mỗi vị thế, thứ 3 là số tiền chấp nhận có thể mất mà không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của bạn. Từ số tiền bạn chấp nhận lỗ đó, bạn chia cho số lượng hợp đồng để ra được mức giá dừng lỗ hợp lý. 2% số tiền đầu tư là con số tối đa được phép để mất trong mỗi lần giao dịch, và 6% là số tiền tối đa được phép mất trong mỗi ngày giao dịch. Nếu 3 lần vào lệnh liên tiếp làm bạn lỗ, bạn cần dừng lại để kiểm tra lại hệ thống và tâm lý của mình.
Bạn có thể thay đổi điểm chốt lãi, nhưng đừng bao giờ nên thay đổi điểm dừng lỗ. Đó là nguyên tắc giúp bạn không bị thua lỗ nặng. Những khi nào không chắc chắn, đặc biệt trước giờ ATC, bạn đừng nên đặt cược để chống lại bản thân mình. Vì khi đến giờ ATC, giá được so khớp định kỳ, lệnh dừng lỗ của bạn sẽ không còn tác dụng.
Khi bắt đầu một vị thế, bạn cần có giá mục tiêu để chốt lãi và giá dừng lỗ. Tuân thủ đúng nguyên tắc sẽ giúp bạn có được tâm thế chủ động, vững vàng. Hãy kiên trì ghi chép lại nhật ký đặt lệnh mỗi ngày để biết được vì sao bạn lỗ, và rút kinh nghiệm cho mỗi lần thất bại. Giao dịch thành công cần dựa trên kiến thức, kỷ luật ,và tập trung. Hãy làm tốt những điều này, tôi tin bạn sẽ sớm hoàn thành được giấc mơ: “Tự do tài chính” của mình.