Ngoài yếu tố khách quan do áp lực cạnh tranh của các đối thủ, sự tụt dốc của BHN còn bắt nguồn từ sự thụ động về khả năng làm mới để phù hợp với tình hình thực tế.
Thua trên sân nhà
2017 là một năm khá khó khăn đối với BHN trong bối cảnh ngành bia cạnh tranh ngày càng gay gắt và áp lực chi phí gia tăng. Cụ thể, doanh thu thuần 9.802 tỷ đồng (giảm 1,9%), trong đó doanh thu thuần mảng đồ uống đạt 7.867 tỷ đồng (giảm 3,2%); lợi nhuận gộp đạt 2.568 tỷ đồng (giảm 7,9%) do tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 27,8% năm 2016 xuống còn 26,2%; lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận ròng đạt lần lượt 839 tỷ đồng (giảm 29%) và 658 tỷ đồng (giảm 18%).
Điều đáng nói, sản lượng tiêu thụ của BHN giảm trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ toàn ngành tăng. Theo thống kê, tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2017 đạt 481,9 triệu lít (giảm 8,5%), trong đó sản lượng tiêu thụ bia đạt 479 triệu lít (giảm 9%) do sản lượng tiêu thụ của sản phẩm bia chai đỏ 450ml giảm mạnh (giảm 24%), dẫn đến đóng góp cho tổng doanh thu giảm của sản phẩm này giảm từ 47,7% trong năm 2016 xuống còn 39,6%. Trong khi đó, năm 2017 tổng sản lượng tiêu thụ bia toàn ngành đạt hơn 4 tỷ lít (tăng 6%).
Sự sụt giảm doanh số phần nào cho thấy BHN đang có dấu hiệu mất thị phần ngay cả trong thị trường truyền thống phía Bắc. Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, BHN hiện là nhà sản xuất bia lớn thứ 3 của Việt Nam với thị phần hiện tại 16% (giảm hơn 2% so với giai đoạn 2015-2016).
Dù nằm trong Top 3 nhưng thị phần của BHN đã bị các đối thủ cùng ngành bỏ xa, như TCTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK SAB) chiếm 40% và Heineken chiếm 25%. Đặc biệt, thị trường của BHN chỉ tập trung tại các tỉnh phía Bắc, trong khi sản phẩm của các đối thủ đã có mặt trên toàn quốc. Chẳng hạn, ngay tại thị trường miền Bắc, Sabeco đã chiếm 10% thị phần.
Một trong những bước đi sai của BHN là tập trung mở rộng phân khúc bia hơi có sản lượng cao nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp. Điều này làm hạn chế tăng trưởng khi thu nhập của người tiêu dùng tăng đã chuyển sang sử dụng sản phẩm cao cấp hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có xu hướng chuyển từ chai cỡ lớn sang cỡ nhỏ và chú ý hơn đến bao bì.
Đặc biệt, các chiến dịch marketing mạnh mẽ và các thương hiệu nước ngoài nhập khẩu đã tác động đáng kể đến doanh thu, khi BHN không ra mắt thêm bất kỳ dòng sản phẩm mới, dù chi phí marketing liên tục tăng trong vài năm qua, lên đến 568 tỷ đồng trong năm 2017, tăng gần 3,5 lần so với cách đây 3 năm chỉ 169 tỷ đồng. Chi phí marketing tăng nhưng tăng trưởng doanh thu lại có xu hướng ngược lại. Cụ thể, năm 2014 cứ 1 đồng chi ra cho quảng cáo giúp HBN thu về 42 đồng doanh thu, nhưng đến năm 2017 con số này giảm còn 17 đồng.
ĐHCĐ không yên ả
Bất chấp những tín hiệu kém khả quan, HĐQT của BHN vẫn tự tin đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 với tổng sản lượng tiêu thụ đạt 500 triệu lít (tăng 3,8%), lợi nhuận trước thuế 1.001 tỷ đồng (tăng 19,3%). Tờ trình về kế hoạch kinh doanh này sẽ được trình ĐHCĐ thường niên 2018 tổ chức hôm nay 28-6 sau nhiều lần trì hoãn.
Tuy vậy, những con số này khó xoa dịu nỗi thất vọng, thậm chí làm dấy lên sự nghi ngờ của cổ đông. Theo kết quả kinh doanh quý I-2018 được công bố gần đây, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của BHN đạt lần lượt 1.425 tỷ đồng và 110,3 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết quý I, BHN mới hoàn thành 16% kế hoạch doanh thu và 13,6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Theo giới phân tích, BHN không có thông tin rõ ràng làm cơ sở cho việc thực hiện được kế hoạch tham vọng này. Lý do khiến cổ đông không yên tâm về kế hoạch này một phần do sự không minh bạch của BHN. Bởi lẽ, dù niêm yết CP trên TTCK từ năm 2016 nhưng rất hiếm khi BHN công bố kế hoạch kinh doanh hợp nhất, dù doanh nghiệp này có đến 17 công ty con, gồm 2 công ty thương mại, nhiều công ty con sản xuất bia và 6 công ty liên kết.
Trong khi đó, tiềm năng cải thiện hiệu quả hoạt động lớn nhất nằm chính ở cấp độ hợp nhất, tức là ở các công ty con và công ty liên kết. Điều này làm cho việc đánh giá kế hoạch kinh doanh của NĐT đối với BHN gặp nhiều khó khăn.
Ngoài chủ đề chính là hiệu quả sản xuất kinh doanh, kế hoạch thoái vốn nhà nước tại BHN cũng là vấn đề nóng được nhiều NĐT quan tâm tại ĐHCĐ. Trước đó, Bộ Công Thương đặt kế hoạch thoái vốn 82% cổ phần tại BHN trong năm 2018.
Theo ông Đỗ Hải Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, vấn đề chính trong việc thoái vốn tại BHN là Carlsberg được ưu tiên mua cổ phần dựa trên hợp đồng cam kết đã ký giữa Bộ Công Thương và Carlsberg khi mua 17,51% cổ phần của BHN cách đây 10 năm. Trong khi Bộ Công Thương muốn thoái với giá cao đối tác lại muốn mua với giá thấp.
Điều đáng nói, quá trình đàm phán càng kéo dài thì rủi ro BHN bị tụt hậu trong cạnh tranh càng lớn. Sự chậm trễ này cũng là nguyên nhân khiến giá CP BHN sụt giảm mạnh. Theo thống kê, tính từ đầu năm 2018 đến nay, BHN giảm từ 134.000 đồng/CP xuống 104.000 đồng/CP (tương đương mức giảm hơn 22%).