Dư địa phát triển rất lớn
Tốc độ tăng trưởng du khách quốc tế từ 25-29% trong vòng 2 năm nay, hay số lượt khách du lịch trong nước tương đương khoảng 3/4 dân số mỗi năm là cơ sở quan trọng để các dịch vụ phục vụ đối tượng này phát triển nhanh chóng.
Trong xu thế đó, mức tăng trưởng du khách quốc tế rất cao của Nha Trang (+66%), Phú Quốc (+58%), hay Đà Nẵng (39%) đang khiến các địa phương này là “địa chỉ đỏ” để phát triển BĐS du lịch biển.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam thừa nhận, trong những năm gần đây, BĐS du lịch nghỉ dưỡng phát triển rất mạnh mẽ và là một trong những điểm sáng giúp thị trường BĐS hồi phục.
“Mô hình đầu tư BĐS theo hình thức “time share” đã hút đầu tư mạnh trong thời gian qua. Nếu không có mô hình đầu tư này sẽ rất khó có những khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, đồng bộ tại các thành phố biển nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc”, ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.
Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation cũng đồng tình với quan điểm trên, thị trường BĐS du lịch biển tại Việt Nam đang phát triển khá lành mạnh với nhiều khu nghỉ dưỡng có thương hiệu và lượng giao dịch condotel rất lớn.
Theo ước tính, năm 2017, trên cả nước có khoảng 12.500 sản phẩm BĐS du lịch biển như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng đã giao dịch thành công. Trong đó đáng chú ý, ngoài các thị trường đã phát triển mạnh từ giai đoạn trước thì nay có thêm nhiều thị trường mới đi theo, tạo nên những cơ hội lớn hơn cho phân khúc BĐS này. Trong năm 2018, các giao dịch tập trung sang các điểm mới như Quy Nhơn, Quảng Bình, Vân Đồn, Bắc Vân Phong…
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao của CBRE Việt Nam chia sẻ thêm, trong danh sách 8 địa điểm giàu tiềm năng về phát triển BĐS nghỉ dưỡng thì ngoài Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh, các thị trường khác như Quy Nhơn, Thanh Hóa, Quảng Bình và Hải Phòng là những thị trường vẫn còn dư địa lớn để tăng trưởng trong tương lai, do hiện sở hữu đường bờ biển dài và nguồn cung phòng khách sạn 4-5 sao khá ít.
Tính đến tháng 6/2018, bốn địa phương nói trên mới chỉ có tổng số 4.558 phòng khách sạn, so với tổng số 24.312 phòng tại Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và Quảng Ninh. Bối cảnh đó, theo ông Michael Piro, sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư xây dựng các dự án lớn hơn nữa…
Tăng trưởng nhanh cũng là thách thức
Rõ ràng, lượng du khách lớn và tăng trưởng mạnh mẽ đang tạo cơ hội cho phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng, mà đặc biệt là du lịch biển phát triển. Tuy nhiên, rủi ro và thách thức cũng đến từ đây.
Theo bà Dung, lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhưng chưa chất. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay và lấy ví dụ ở địa phương có tiềm năng hàng đầu về BĐS du lịch là Đà Nẵng, thì tỷ trọng khách du lịch Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm 78%. “Đây là con số đáng lo ngại”, bà Dung cảnh báo.
Cùng quan điểm, ông Michael Piro cho rằng không thể chú trọng mỗi 1,2 thị trường, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến khách châu Âu, Bắc Mỹ để cân bằng nguồn khách.
Có những lý do để giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam phải lo lắng đến thế. Ngoài biển, sản phẩm du lịch của Việt Nam luôn được nhìn nhận là thiếu đa dạng, không phong phú. Kết quả là thời gian lưu trú của khách quốc tế rất thấp, tăng ít qua các năm. Như ở Đà Nẵng, thời gian lưu trú trung bình chỉ 2,7 ngày/lượt khách, trong khi ở Phuket (Thái Lan) lên tới 4,5 ngày.
Hay một vấn đề khác, với tốc độ tăng khách du lịch rất lớn hiện nay thì hướng dẫn viên lại thiếu nhiều và chất lượng chưa cao. Theo đó, trong khi các chủ đầu tư đang cố gắng đưa quy chuẩn quốc tế và các dự án BĐS du lịch thì nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế lại thiếu hụt rất lớn.
Bà Dung tính toán, với tốc độ phát triển hiện nay của ngành du lịch thì đến năm 2020 Việt Nam cần tới 80.000 phòng nghỉ tăng thêm so với hiện nay, đồng thời đòi hỏi có đủ nhân lực để phục vụ cho các du khách. “Nếu không làm tốt bài toán nhân lực thì khách nước ngoài sẽ quay lưng với thị trường Việt Nam”, bà Dung cảnh báo.
Một thách thức cũng rõ ràng không kém là rủi ro nhiều nhà đầu tư chạy theo phong trào, đưa ra các cam kết lợi nhuận cao để nỗ lực bán hàng mà có thể sau đó “bỏ rơi” người mua BĐS du lịch của mình.
Về vấn đề cam kết lợi nhuận đầu tư condotel, theo ông Michael Piro, những lời hứa hẹn lợi nhuận 8-12% là không tưởng. Không ai trên thế giới dám đưa ra mức lợi nhuận như vậy. Thị trường BĐS du lịch biển ngày càng phát triển mạnh, đòi hỏi nhà đầu tư từ lớn đến nhỏ lẻ phải chuyên nghiệp hơn, hiểu được quy luật thị trường, loại hình đầu tư. Nếu đầu tư theo kiểu phong trào thì rõ ràng sẽ có những kết quả không tốt.