Một phần do chính sách pháp luật của nhà nước chưa thực sự sát với tình hình vận động thực tế của thị trường BĐS. Một phần do sự thỏa thuận chưa minh bạch ngay từ đầu trong hợp đồng kinh tế mua bán nhà và mức phí tương xứng với chất lượng dịch vụ. Liên quan đến vấn đề này, PV Báo Xây dựng có cuộc trao đổi với ông John Nhật Nguyễn – Giám đốc Cty TNHH Tư vấn BĐS Thương mại Liên Minh Nguyễn (pháp nhân sở hữu quyền thương mại của thương hiệu toàn cầu NAC và NAI) về kinh nghiệm giải quyết mâu thuẫn mà tập đoàn đã thực hiện trên thế giới có thể áp dụng tại Việt Nam.
Hiện nay, việc quản lý chung cư, quản lý KĐT có nhiều tranh chấp, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
– Có nhiều lý do khách quan khác nhau. Đây là việc mà các cơ quan, và chủ đầu tư cũng mong đưa ra được giải pháp chung. Cần có sự phối hợp giữa 4 bên: Giữa các cơ quan chức năng, các chủ đầu tư, các Cty quản lý BĐS và khách hàng. Tuy nhiên trách nhiệm lớn vẫn thuộc về các đơn vị quản lý BĐS làm sao đưa ra chi phí hợp lý, phù hợp với đặc thù của tài sản BĐS đó, giải quyết các tranh chấp được cư dân và chủ đầu tư chấp nhận.
Chính sách pháp luật về quản lý chung cư còn chồng chéo, thiếu hoặc chưa theo kịp thực tế phát triển của thị trường BĐS?
– Không những ở Việt Nam mà ở các quốc gia đang phát triển khác, làm sao chọn được mô hình phù hợp để đưa ra mỗi một dự án BĐS cần sự quan tâm 4 bên. Thực ra khó để có cái chuẩn nhưng Việt Nam trong 6 năm vừa qua đã có nhiều biện pháp thích hợp và bộ luật chuyên ngành không ngừng được xây dựng giúp cho việc quản lý BĐS được minh bạch, công khai.
Vài dự án Tập đoàn đã thực hiện tại Việt Nam?
– Hiện nay, NAI/NAC đang thực hiện một số dự án trong Nam và sắp tới sẽ triển khai một vài dự án tại Hà Nội do đối tác địa phương sẽ công bố. Không chỉ hợp tác phát triển dịch vụ quản lý BĐS mà còn mở rộng sang lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực quản lý tài sản BĐS. Chúng tôi không trực tiếp quản lý mà tư vấn chiến lược cho chủ đầu tư, chuyển giao công nghệ cho người của chủ đầu tư vận hành quản lý theo tính đặc thù của dự án với phương án và chi phí phù hợp. Dự án do NAI/NAC quản lý thông qua đối tác địa phương có thể kể đến như: Phú Mỹ Hưng, The Canary Heights, Saigon Villas …
Kinh nghiệm tốt nhất giải quyết tranh chấp mà NAI/NAC sẽ đưa vào vận hành tại các dự án là gì?
– Vừa qua, chúng tôi ký kết hợp tác liên kết dịch vụ trong khai thác quản lý BĐS với CenGroup. Sự kết hợp này sẽ làm tăng tính chuyên nghiệp trong quản lý toà nhà. Giảm thiểu tình trạng tranh chấp giữa người sử dụng và chủ đầu tư trên cơ sở tư vấn từ đầu về vấn đề hợp đồng mua nhà quy định cụ thể, chi tiết các điều khoản liên quan đến diện tích chung, riêng, hành lang, cây xanh, cảnh quan, dịch vụ điện nước, thang máy, bảo vệ… Chi phí quản lý thực hiện trên nguyên tắc thực thu thực chi (có dự phòng 10%) và công khai minh bạch và nhận thức đây là dịch vụ kinh doanh phi lợi nhuận.
Thị trường trọng điểm và hướng phát triển trong tương lai của thương hiệu?
– Mục tiêu chúng tôi hướng đến là khai thác phát triển song song cả hai khu vực trọng điểm phía bắc và phía nam tại Hà Nội và TP.HCM. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp cận các dự án toà nhà chung cư, toà nhà hỗn hợp, trung tâm thương mại, văn phòng còn trong tương lai sẽ hướng đến quản lý và cung cấp dịch vụ cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng, sân golf, casino…
NAC là tên viết tắt của New Asia Capital là một mạng lưới chuyên về quản lý tài sản BĐS được thành lập và có trụ sở tại Canada. NAC có trên 30 năm kinh nghiệm hoạt động. NAI Việt Nam là đại diện chính thức của NAI Global với mạng lưới khoảng 70 chuyên gia chiến lược và 5.000 chuyên viên BĐS; Cung cấp các dịch vụ về dịch vụ quản lý BĐS, tài chính BĐS, tư vấn đầu tư. NAI Global hiện phục vụ lợi ích của 55 quốc gia trên thế giới với 325 văn phòng trên toàn thế giới. Hai thương hiệu này bắt đầu có mặt tại Việt Nam từ năm 2006 và hoạt động theo hình thức cung cấp giải pháp quản lý BĐS thông qua các đối tác địa phương tại Việt Nam. |