Nói dễ làm mới khó
Đầu năm 2017, HVN (Vietnam Airlines) đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ở mức giá 3.9, sau đó CP này có vài phiên tăng lên gần 5.0, nhưng không trụ nổi và trôi xuống vùng giá khoảng 2.5. Mãi đến tháng 9-2017, HVN mới “bừng tỉnh” và bắt đầu một đợt tăng giá mạnh gấp 3 lần lên vùng 7.5 vào đầu năm 2018.
Xét ra NĐT mua HVN trong những ngày đầu tiên CP này có mặt ở UPCoM với giá tầm 4.0-5.0, và để đó sau một năm cũng lãi từ gấp rưỡi đến gấp đôi, nhưng trong thực tế rất hiếm NĐT làm được điều này. Bởi thông thường nếu mua giá cao trong ngắn hạn CP giảm sâu phải tính chuyện cắt lỗ, còn nếu mua giá thấp tất nhiên giá chỉ cần tăng vài chục % là tính đến chuyện chốt lời.
Diễn biến của HVN chỉ ra rằng, hàng mới dù hấp dẫn nhưng không dễ ăn. Những nhận định kiểu như “trước sau gì cũng tăng”, “mua để đó giữ dài” dành cho hàng mới cũng được xếp vào loại nói dễ nhưng làm khó.
AST (Taseco) thuộc nhóm những CP chào sàn sớm nhất trong năm 2018, sau khi có mặt tại HOSE CP này có liền 5 phiên tăng trần từ ngày 4 đến 10-1. Về lý mà nói, nếu NĐT gom hàng được trong vài phiên đầu và bán ra ở T+3 cũng có lãi từ 5-20%, nhưng CP mới lên sàn mà còn tăng trần rất khó để đua lệnh thành công, và thường khi đua lệnh thành công CP sắp… hết tăng trần, thậm chí đảo chiều. NĐT thấy vậy cũng sẽ chùn tay và không dám mua.
Chính vì vậy sau khi tăng đến hơn 7.0 vào ngày 10-1, AST có liền một tháng điều chỉnh rồi đi ngang quanh vùng giá 6.5. Nhìn lại lịch sử sẽ dễ dàng “phán” rằng mức độ điều chỉnh của AST chẳng đáng là bao (chưa đến 10%), thời gian cũng chỉ một tháng. Nghĩa là, nếu NĐT mua AST giá 7.0 cũng không lo, còn 6.5 cứ ngồi chờ giá tăng. Nhưng trong thực tế, chỉ cần vài ngày, hay một tuần giữ CP mà giá không tăng, trong khi thị trường sôi động đã sốt ruột và chuyện tìm CP khác để đảo danh mục là rất bình thường.
Trong quãng thời gian AST đi ngang, một loạt CP ngân hàng hay chứng khoán, bất động sản đã nổi sóng và hút rất nhiều dòng tiền, NĐT tham gia. May mắn nếu tìm được CP khác có khả năng tăng giá, NĐT lại càng tự tin về lựa chọn của mình là đúng và đôi khi quên luôn việc theo dõi diễn biến của CP.
Lấy đơn cử với AST, sau khi đi ngang quanh 6.5 đúng 1 tháng, kể từ 12-2 đến nay, biểu đồ giá của CP này đã tịnh tiến trở lại, và vào ngày 5-3, ngày mà nhiều CP chủ chốt trên thị trường bị bán tháo, AST lại có lúc giao dịch ở vùng giá 8.0. Như vậy chưa đầy 1 tháng, “tân binh” hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không của sàn HOSE là AST đã tăng giá tận 20%, nhưng bắt đúng sóng không phải dễ.
Tăng cầu và giảm cung
Khi cầu vượt cung CP nhiều khả năng tăng giá thường có hai bối cảnh: giảm cung hoặc tăng cầu. Dẫn chứng bối cảnh đầu tiên chính là HVN khi CP này điều chỉnh mạnh từ gần 5.0 xuống gần 2.5, đã buộc NĐT phải bán, hoặc tham gia mua giá thấp phải bán giá thấp hơn, và những NĐT bắt đáy đợt đầu tiên với giá thấp nhất cũng có thể… chán vì CP này có gần nửa năm chỉ đi ngang. Điều này tất yếu sẽ khiến cho hàng hóa trở nên “cô đặc”, dồn về những NĐT trường vốn. Lực bán nhỏ lẻ giảm dần, và khi gần cạn kiệt cũng là lúc CP không thể giảm bất ngờ nữa và tạo đáy.
Từ đây, CP chỉ cần chất xúc tác liên quan đến hoạt động kinh doanh, hoặc diễn biến thuận lợi của ngành là “chạy”. Ở đây CP vùng đáy sẽ không có nhiều dòng tiền lướt sóng tham gia, nên lượng cung ngắn hạn giảm xuống, lúc này không cần cầu quá mạnh cũng có thể khiến cho CP bật rất nhanh.
Với bối cảnh thứ hai, có thể nhắc đến những kỳ vọng liên quan đến VPB (VPBank), một trong những món hàng hot trên thị trường những ngày gần đây. CP này đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 17-8-2017 với giá 3.9 và liên tục 4 tháng đầu tiên có mặt tại HOSE, VPB dao động quanh vùng giá 4.0. Nhưng kể từ đầu năm 2018, VPB bắt đầu bứt phá để tăng lên 5.0 rồi 6.0.
Hôm 6-3 vừa qua, HOSE đã đưa CP của nhà băng này ra khỏi danh sách không được phép giao dịch ký quỹ do đã niêm yết đủ 6 tháng. Nghĩa là trong thời gian tới, NĐT đã có thể sử dụng margin để mua VPB thay vì chỉ được dùng vốn tự có, dễ hiểu là sức mua (cầu) của VPB sẽ gia tăng. Đã xuất hiện những kỳ vọng về khả năng tăng giá của VPB sau khi giao dịch có margin hỗ trợ.
Một phần nào đó, kỳ vọng này có thể đã khiến cho giá của VPB trong 1 tháng qua đã tăng rất tốt khi từ mức giá dưới 5.0 hôm 6-3 đã vượt lên trên 6.0, tức đã tăng hơn 20%. Dẫu vậy, biến động của CP còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác từ nguồn cung, rồi cả diễn biến của thị trường chung.
Các dẫn chứng trên đây cũng có thể là cơ sở để tham chiếu những món hàng mới cũng rất “hot” xuất hiện trong thời gian gần đây, như BSR (Lọc-Hóa dầu Bình Sơn) hay POW (PV Power). BSR tăng kịch trần gần 40% trong phiên đầu tiên giao dịch ở UPCoM vào ngày 1-3, đạt mức giá hơn 3.1 và 3 phiên giao dịch sau đó cũng dao động quanh ngưỡng 3.1.
POW lên sàn UPCoM hôm 6-3 đã có lúc tăng lên đến hơn 1.8 và đóng cửa phiên ở dưới ngưỡng này đôi chút. Những điểm nổi trội của BSR và POW đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua, đó cũng là lý do để 2 CP này được săn đón từ lúc IPO cho đến khi lên sàn. Nhưng cũng như những món hàng mới khác, các giao dịch của BSR và POW dù có thuận lợi nhưng vẫn có những thách thức nhất định.
Trước tiên, việc cả 2 đều giao dịch tại UPCoM dẫn đến việc NĐT không thể sử dụng margin để mua CP này, nên sức cầu ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Tất nhiên, ngay cả khi niêm yết tại HOSE và HNX, trong 6 tháng đầu tiên cũng không thể sử dụng margin. Vấn đề tiếp theo chính là việc thị trường thuận lợi, kỳ vọng đấu giá IPO rồi sau đó lên sàn bán kiếm lời ngay cũng tăng, dẫn đến nhu cầu chốt lời trong ngắn hạn cũng có thể tăng dẫn đến nguồn cung tăng.
Nghĩa là các hoạt động trao tay giữa bên mua và bên bán trên sàn tùy theo cán cân cung-cầu sẽ diễn ra trong các khoảng thời gian khác nhau.