Cổ phiếu nhỏ tăng “khủng”
Cổ phiếu CAG của CTCP Cảng An Giang (sàn HNX) là cái tên gây bất ngờ nhất với giới đầu tư thời gian qua bởi mức tăng sốc. Cụ thể, hồi đầu năm, CAG giao dịch quanh mức 16.000 đồng/CP, nhưng hiện đã tăng lên 107.000 đồng/CP, tức tăng tới gần 7 lần, thậm chí có thời điểm đã leo lên mức 120.000 đồng/CP.
CAG có vốn điều lệ 138 tỷ đồng, đang vận hành và quản lý nhiều cụm cảng tại tỉnh An Giang. Điểm bất ngờ là giá CAG tăng trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm qua của Công ty không mấy khả quan.
Kết thúc năm 2017, CAG đạt 68 tỷ đồng doanh thu, giảm 8% so với năm 2016 và lãi ròng 3 tỷ đồng, giảm 50%. Năm 2018, CAG đặt mục tiêu doanh thu 74,68 tỷ đồng, lãi sau thuế 4 tỷ đồng. Kết thúc quý I, CAG đạt 15,85 tỷ đồng doanh thu và 0,94 tỷ đồng lãi sau thuế, hoàn thành tương ứng 21% và 24% kế hoạch đề ra.
Một mã cũng gây ấn tượng không kém là cổ phiếu DSC của CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (sàn UPCoM). Chính thức chào sàn ngày 5/1/2018 với giá ngày giao dịch đầu tiên là 11.900 đồng/CP, cổ phiếu DSC tăng thần tốc lên 114.000 đồng/CP vào trung tuần tháng 5, trước khi lùi về mức 91.000 đồng/CP như hiện tại, tương ứng mức tăng gần 8 lần.
Kết thúc năm 2017, DSC đạt doanh thu 19,2 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với kết quả năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 10,55 tỷ đồng, trong khi lỗ hơn 3 tỷ đồng năm 2016. Theo giới quan sát, đây là một trong những lý do giúp cổ phiếu DSC tăng vọt gần 6 tháng qua.
Năm 2018, DSC lê kế hoạch đạt 62,5 tỷ đồng doanh thu và 50 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng tương ứng 3,25 lần và 4,15 lần so với thực hiện năm 2017. Kết thúc quý I/2018, DSC đạt 16,8 tỷ đồng doanh thu và 14,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành lần lượt 27% và 30% kế hoạch đề ra.
Trên sàn HOSE, cái tên được nhắc tới là cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt. Thị giá ANV là 10.000 đồng/CP vào đầu năm, đến nay đã tăng lên hơn 25.000 đồng/CP, tương đương tăng 2,5 lần. Nếu tính từ đầu năm 2017, ANV còn tăng mạnh hơn, bởi mức giá tại thời điểm này chỉ là 5.000 đồng/CP.
Nguyên nhân giúp cổ phiếu ANV tăng phi mã thời gian qua là nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại. Kết thúc năm 2017, ANV đạt 2.962 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với năm 2016 (2.847 tỷ đồng), nhưng lãi sau thuế tăng tới hơn 10 lần, đạt 144 tỷ đồng, chủ yếu do thoái vốn tại “cục nợ” DAP Lào Cai, bên cạnh sự tích cực của thị trường cá tra.
ANV cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, Công ty ước đạt doanh thu 1.674 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 183 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 200% so với cùng kỳ năm 2017, qua đó hoàn thành tương ứng 53% chỉ tiêu doanh thu (3.200 tỷ đồng) và 62% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 (250 tỷ đồng). Theo lãnh đạo ANV, nếu duy trì sự tích cực như hiện tại, nhiều khả năng ANV sẽ hoàn vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra, với khoảng 300 tỷ đồng trong năm nay.
Ngoài các mã trên, thị trường cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu có đà tăng mạnh từ đầu năm đến nay như cổ phiếu AME của CTCP Alphanam E&C (+250%), cổ phiếu HOT của CTCP Du lịch dịch vụ Hội An (+132%), cổ phiếu ARM của CTCP Xuất nhập khẩu Hàng không (+120%), cổ phiếu EME của CTCP Điện cơ (+110%)…
Nhưng bluechips mới có cơ hội… ra tiền
Tăng mạnh là vậy, nhưng không mấy nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận từ các cổ phiếu như trên, do thanh khoản của hầu hết các cổ phiếu này đều rất thấp.
Đơn cử, cổ phiếu CAG thường xuyên không có giao dịch và các phiên tăng điểm vừa qua chỉ có khối lượng khớp lệnh vỏn vẹn 100 cổ phiếu. Tương tự, mức khớp trung bình phiên của cổ phiếu DSC cũng chỉ ở mức một vài nghìn đơn vị. Với ANV, thanh khoản có tích cực hơn, nhưng cũng không thực sự cao, trung bình khoảng 60.000 đơn vị mỗi phiên.
Bởi vậy, với các mã bluechips, tuy có mức tăng khiêm tốn hơn nhưng thanh khoản cao, cộng với nền tảng cơ bản tốt lại giúp nhà đầu tư kiếm lợi và trở thành nơi “tránh bão” trong những phiên giảm mạnh vừa qua.
Đơn cử, kể từ đầu năm 2018 đến thời điểm VN-Index lập đỉnh kỷ lục 1.200 điểm (ngày 9/4), cổ phiếu VIC đã tăng từ mức 80.000 đồng/CP lên 135.000 đồng/CP, tức tăng gần 69%.
Ngay cả khi điều chỉnh trở lại theo nhịp thị trường về mức 123.000 đồng/CP như hiện tại, VIC vẫn tăng trên 50%, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho nhà đầu tư nắm giữ.
Tính riêng trong quý I, đà tăng của VIC đóng góp khoảng 20% vào đà tăng chung của VN-Index, đồng thời vượt qua VNM trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường.
Tương tự như VIC, từ ngày 2/1 đến ngày 9/4, cổ phiếu PAN cũng tăng rất nhanh từ mức 38.000 đồng/CP lên 73.000 đồng/CP, trước khi giảm trở lại mức 64.000 đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, PAN đã tăng tới 68%.
Ngoài VIC, thị giá nhiều cổ phiếu bluechips khác cũng có được mức tăng tốt trong 6 tháng qua như VPB (+25%), VJC (+18%), VHC (+17%), ACB (+17%), MSN (+11)…