Lỗ nặng vẫn mở rộng đầu tư
Kết quả từ Thanh tra Chính phủ cho thấy, gần nửa doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% nước ngoài – FDI báo lỗ. Tuy nhiên, mặc dù kêu “lỗ đậm”, nhưng tốc độ doanh thu của nhiều doanh nghiệp vẫn cao.
Theo Ths. Nguyễn Anh Tuấn – Kiểm toán Nhà nước, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP. Hồ Chí Minh có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Mặc dù, thua lỗ triền miên song các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng, tỷ lệ thua lỗ cao tại các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua chính là biểu hiện của hoạt động chuyển giá đang diễn ra ngày càng phổ biến, đa dạng, trở thành thách thức lớn đối với cơ quan thuế Việt Nam.
Minh chứng cho điều này phải kể tới công ty Coca-Cola Việt Nam. Trong 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30.9.2011 của công ty lên tới 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. Vì lỗ liên tục nên doanh nghiệp này không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30% mỗi năm. Nghịch lý là dù lỗ lớn nhưng doanh nghiệp này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam.
Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp FDI khác cũng nằm trong diện nghi vấn như: Adidas Group, siêu thị Big C, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam, ông Tuấn cho biết.
Khai khống chi phí và luồn lách thuế
Trước vấn nạn chuyển giá, doanh nghiệp “lãi thật”, “lỗ ảo”,ông Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước chia sẻ: hoạt động chuyển giá đang có diễn biến phức tạp, tinh vi và không ngừng gia tăng không chỉ ở các doanh nghiệp FDI đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giá, trong đó có hoạt động kiểm toán.
Chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm DN FDI, còn có cả hiện tượng chuyển ngược lợi nhuận từ nước ngoài vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi lớn về thuế thu nhập DN. Hay chuyển giá giữa các DN FDI có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế thu nhập DN khác nhau.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, doanh nghiệp FDI thường kê khai số vốn rất lớn để làm dự án thật hoành tráng. Khai tăng giá đầu vào nhập khẩu khiến công ty mẹ không hoặc được giảm nộp thuế GTGT, đồng thời, được khấu trừ thuế đầu vào. Còn công ty con, phải nộp thuế với hàng nhập khẩu, nhưng bù lại, được khấu trừ khi bán sản phẩm. Thế là đương nhiên cả “mẹ” và “con” đều không mất một đồng thuế nào trong khi được hưởng trọn khoản tiền do nâng giá mà có.
Với thuế nhập khẩu cũng vậy, số tiền được miễn giảm chính là số thất thu của Nhà nước đã đành, nhưng ngay cả khi không nằm trong diện miễn giảm, số tiền nộp thuế cũng đã được đưa vào chi phí và làm giảm thu nhập chịu thuế một lượng tương đương, gây thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách, TS Phong nhấn mạnh.
Lấp đầy hổ hổng pháp lý
Hành lang pháp lý về chống chuyển giá chưa hoàn thiện dẫn đến bị lợi dụng, gây thất thu ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, nhập siêu lớn và đặc biệt là rủi ro đầu tư cao.
TS Đặng Văn Hải, Vụ Pháp chế – Kiểm toán Nhà nước nhận định, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam chưa hoàn thiện. Ngoài ra, các quy định về định giá chuyển giao chỉ mới dừng ở cấp thông tư, gần đây là nghị định nên hiệu lực pháp lý chưa cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Chống chuyển giá cần có biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý đối với hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế. Pháp luật của các nước trong khu vực đều quy định các biện pháp, chế tài mạnh đối với hành vi chuyển giá, đồng thời, công khai danh tính những doanh nghiệp thực hiện chuyển giá chiếm đoạt tiền thuế Nhà nước – TS Đặng Văn Hải nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: chống chuyển giá cần chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực, coi công tác cán bộ là khâu then chốt để quyết định sự thành công, xây dựng và hoàn chỉnh pháp luật về kinh tế, cần thiết có sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, Ban, ngành, các cấp phối hợp có hiệu quả trong hoạt động chống chuyển giá đầy phức tạp này.